08:05 13/08/2018

Du lịch sinh thái bền vững - Bài 1: Loại hình du lịch của tương lai

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), du lịch sinh thái được phát triển một cách rộng rãi trên thế giới và được coi là “loại hình du lịch của tương lai” do tính ưu việt và đáp ứng được xu thế mới của du khách.

Chú thích ảnh
Đàn cò bay lượn trong khu du lịch sinh thái vườn cò Thanh Kiều, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 16 về tính đa dạng sinh học trên thế giới. Vì vậy cần phải có những giải pháp để khai thác du lịch sinh thái nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy được những giá trị bền vững của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.

Bài 1 - Loại hình du lịch của tương lai

Ở Việt Nam, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong hệ thống các Khu rừng đặc dụng. Theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có 176 Khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 Vườn quốc gia, 58 Khu dữ trữ thiên nhiên, 14 Khu bảo tồn loài-sinh cảnh, 61 Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và 9 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

Lưu trữ các giá trị thiên nhiên độc đáo

Hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam phân bố tại 52/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích (theo quy hoạch đến năm 2020) là 2,4 triệu ha để bảo vệ phần lớn các hệ sinh thái đặc thù, các loài động thực vật đặc hữu quý hiếm và các sinh cảnh quan trọng. Theo nghiên cứu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển du lịchsinh thái.

Về tài nguyên du lịch tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái vì có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm và đặc hữu, nhiều hệ sinh thái đặc thù và nhiều cảnh quan đẹp.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các nhóm sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, có thể phát triển du lịch như xem chim (Xuân Thủy, Tràm Chim, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau...); xem thú (Cát Tiên, Phong Nha Kẻ Bàng, Vân Long...); xem rùa đẻ, lặn biển ngắm san hô (Côn Đảo, Núi Chúa, Vịnh Nha Trang...); xem bướm và côn trùng (Tam Đảo, Cúc Phương); xem ếch nhái, lưỡng cư...; tham quan các loài đặc hữu quý hiếm là hoa đỗ quyên, phong lan (Bạch Mã, Cát Tiên, Hoàng Liên...) và du lịch biển (Cát Bà, Bái Tử Long, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc...).

Bên cạnh đó, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên còn có thể phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái tập trung vào các hoạt động khác, như tham quan hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Tham quan các hệ sinh thái hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, U Minh Thượng, U Minh Hạ...và các sản phẩm du lịch khác.

Đặc biệt, rất nhiều Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong cả vùng lõi và vùng đệm, với nền văn hóa đặc trưng của từng dân tộc là cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch khám phá văn hóa bản địa như: Sa Pa (Hoàng Liên), Bản Pác Ngòi (Ba Bể), Bản Khanh (Cúc Phương), bản A Đon (Bạch Mã), xã Tà Lài và xã Đăk Lua (Cát Tiên)... Do đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa bản địa đang thu hút được sự chú ý của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế, cần được bảo tồn và phát huy

Tăng trưởng đột biến

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư, An Giang. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo Báo cáo kiểm tra hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên năm 2017 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong số 167 Khu rừng đặc dụng hiện có, có 61 Khu đã tổ chức kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái (bao gồm 25/34 Vườn quốc gia và 36/133 Khu bảo tồn thiên nhiên).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đang tổ chức hoạt động du lịch sinh thái theo 3 hình thức: Tự tổ chức (56 khu); Liên doanh, liên kết (11 khu); Cho thuê môi trường rừng (13 khu). Như vậy có tới 92% các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tự tổ chức kinh doanh du lịch , trong đó một số khu có kết hợp với việc liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.

Loại hình du lịch có liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên là cần thiết, để đẩy mạnh phát triển du lịch trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Tuy vậy, trước khi phê duyệt các dự án phát triển du lịch sinh thái theo loại hình này, cấp có thẩm quyền phải làm tốt quá trình thẩm tra và triểm tra giám sát để tránh việc lợi dụng lỗ hổng để các công ty du lịch phát triển các loại hình du lịch khác và có tác động tiêu cực tới tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo của Vụ quản lý Rừng đặc dụng và Phòng hộ nêu rõ, năm 2016 các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đã đón tiếp trên 2 triệu lượt khách, tăng 178% so với năm 2015 (1.154 nghìn lượt khách).

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 114 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2015 (77,3 tỷ đồng). Các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đã nộp ngân sách Nhà nước 32 tỷ đồng và trích cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên 9 tỷ đồng từ doanh thu du lịch.

Số liệu trên cho thấy số lượng khu khách và doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên có sự tăng trưởng đột biến và sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Tuy các khoản nộp ngân sách và bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn còn khiêm tốn từ hoạt động du lịch, nhưng những đóng góp từ hoạt động du lịch sinh thái tới công tác bảo tồn của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên là rất quan trọng, góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên và nâng cao nhận thức cho du khách và người dân địa phương về bảo vệ đa dạng sinh học, vừa giải quyết việc làm cho người dân bản địa.

Bài 2: Mô hình của Vườn quốc gia Cúc Phương

Văn Hào (TTXVN)