01:10 12/01/2012

Du lịch năm 2012: “Đầu tư có trọng điểm hình thành điểm du lịch có chất lượng”

Năm 2012, ngành du lịch chuyển từ phát triển “chiều rộng” sang “chiều sâu”; đầu tư có trọng điểm để hình thành vùng du lịch có chất lượng; đồng thời tăng cường tính liên kết giữa các địa phương,...

Dù nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên trong năm 2011, Việt Nam đã đón được 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 19% so với năm 2010. Dự báo trong năm 2012, du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về định hướng phát triển du lịch trong những năm tới.

Trong năm 2012, du lịch Việt Nam sẽ định hướng phát triển theo hướng nào, thưa ông?

Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, ấn tượng nhất là đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 130 ngàn tỷ đồng. Con số trên ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ẩn sau con số này còn có nhiều điều suy nghĩ như tiềm năng du lịch chưa phát huy, sản phẩm du lịch Việt Nam chưa phong phú, chất lượng dịch vụ hạn chế, khả năng cạnh tranh so với các nước xung quanh còn yếu.

Do đó, năm 2012, ngành du lịch chuyển từ phát triển “chiều rộng” sang “chiều sâu”; đầu tư có trọng điểm để hình thành vùng du lịch có chất lượng; đồng thời tăng cường tính liên kết giữa các địa phương, liên kết giữa địa phương với doanh nghiệp để có sản phẩm đặc thù, tạo hình ảnh du lịch Việt Nam và có nguồn thu. Trên thực tế, dịch vụ du lịch mang lại nguồn thu còn hạn chế. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, Hà Nội mời 10 tỉnh thành trọng điểm du lịch ký liên kết trong quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… đúng với xu hướng liên kết vùng Tổng cục Du lịch. Đây là việc phát huy lợi thế từng địa phương, để có sản phẩm du lịch tốt hơn và từ đó nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam.

Trong năm 2011, Tổng cục Du lịch thực hiện việc liên kết vùng du lịch. Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc liên kết này?

Trong thời gian qua, đã hình thành liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, miền Trung có hành trình qua các di sản… Những mô hình liên kết đã bước đầu tạo dựng hình ảnh, hình thành sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, các liên kết này còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch và không có người đứng ra cầm trịch, một “nhạc trưởng” để tạo hiệu quả rõ nét. Việc này có phần là do chưa có vai trò rõ nét của Tổng cục Du lịch trong các liên kết này. Do đó, các đơn vị phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và từ đó Tổng cục sẽ có hỗ trợ thông qua quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực. Việc liên kết không chỉ dừng ở cơ quan quản lý mà phải tạo môi trường cho doanh nghiệp liên kết với nhau, và môi trường chính sách, cơ chể để doanh nghiệp thực hiện.

Du khách đang nghe hướng dẫn tại hầm tướng Đờ Cát (Điện Biên)


Ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vậy Tổng cục Du lịch triển khai chiến lược này như thế nào trong năm tới?

Chiến lược này rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, là kim chỉ nam cho phát triển thời gian tới. Do đó, nội dung quan trọng của ngành là quán triệt cho các địa phương về chiến lược phát triển du lịch này trong năm 2012. Tiếp theo đó ngành sẽ triển khai quy hoạch, quản lý, tạo dựng sự phát triển bền vững; đầu tư có trọng tâm trọng điểm tạo sự nhận thức đồng bộ để không chỉ người làm trong lĩnh vưc du lịch mà từ các cấp chính quyền, người dân tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện chiến lược này.

Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng và quản lý chỉ đạo phát triển theo quy hoạch. Việc này cần có thời gian và làm có trách nhiệm. Kinh nghiệm của giai đoạn trước cho thấy, Việt Nam có quy hoạch du lịch nhưng làm không đến nơi đến chốn. Do đó, Việt Nam đang hình thành quy hoạch du lịch giai đoạn đến 2020 và quy hoạch này chỉnh sửa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội theo chiến lược phát triển được Đảng và Nhà nước phê duyệt.

Cũng trong những ngày cuối năm 2011, Bộ VH,TT&DL cũng phê duyệt Logo và Slogan mới của ngành du lịch. Vậy Tổng cục Du lịch sẽ có kế hoạch quảng bá hình ảnh mới này sao cho hiệu quả, thưa ông?

Logo và Slogan chỉ là một nội dung trong quá trình xây dựng thương hiệu. Quyết định thành công của thương hiệu là chương trình quảng bá ra nước ngoài. Trong năm 2012, Tổng cục Du lịch coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, để xúc tiến thương hiệu quốc gia. Việc xây dựng Logo và Slogan mới “Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận” của ngành du lịch Việt Nam thành một thương hiệu quốc gia bằng sản phẩm cụ thể, nội dung chi tiết. Đây sẽ là quá trình suốt trong năm để quảng bá thương hiệu du lịch mới này của Việt Nam ra khắp thế giới.

Xin cám ơn ông!

Bài và ảnh:Xuân Cường