03:10 16/03/2011

Du lịch miền Trung: Tạo lợi thế từ... thiên tai

Với bờ biển dài, sự đa dạng của các nền văn hóa các dân tộc miền Trung Việt Nam là khu vực có nhiều tiềm năng du lịch... Tuy nhiên, đây lại là nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có du lịch.

Với bờ biển dài, sự đa dạng của các nền văn hóa các dân tộc miền Trung Việt Nam là khu vực có nhiều tiềm năng du lịch... Tuy nhiên, đây lại là nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có du lịch.

Thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập chìm trong nước lũ tháng 9/2009. Ảnh Huy Hùng – TTXVN


Khai thác những yếu tố bất lợi của khí hậu miền Trung như mưa, bão, lụt để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là ý tưởng táo bạo do Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững - STDe (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đề xuất, và nhận được sự quan tâm của 3 địa phương là: Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng.

Một ý tưởng hay

Bà Nguyễn Thu Hạnh, KTS, Chủ tịch STDe cho biết: STDe mong muốn xã hội phát hiện các giá trị mới đối với những nguồn tài nguyên đã cũ, yếu tố bất lợi hoặc đã bị khai thác hết, để tạo thành sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lụt. Nếu thành công, sản phẩm này có thể trở thành thương hiệu riêng của du lịch miền Trung... Dễ nhận thấy nhất là tại Huế những tháng mùa mưa thì mưa liên miên. Không ít người đã nhận định rằng mưa bão thường xuyên, năm nào cũng có chính là nguyên nhân khiến Huế vẫn nghèo, du lịch chưa phát triển mặc dù Huế là điểm đến hấp dẫn du khách. Nhưng với các văn nghệ sỹ, mưa Huế lại là nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Mưa tạo ra khung cảnh lãng mạn và lôi cuốn nhiều người khác mong muốn trải nghiệm với mưa. Do đó, sản phẩm du lịch từ mưa Huế có thể xây dựng theo hướng khám phá các nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc, đặc biệt là hệ thống nhà vườn, chùa ở Huế. Điểm không thể thiếu chính là không gian thưởng trà, cà phê, các món ăn ngày mưa, rồi tour ngắm mưa, nghe nhịp mưa hoặc đi bộ trong mưa...

STDe cũng đang tiến hành tư vấn cho thành phố Đà Nẵng xây dựng những tour trải nghiệm những cơn bão. Còn sản phẩm du lịch từ lụt hướng đến khu phố cổ Hội An. “Chúng tôi phát hiện ra rằng trên cột nhà khu phố cổ ở Hội An đều có đánh dấu mức độ ngập lụt qua từng năm, có năm cao 1 m, có năm dâng cao tới 2 m. Còn người dân cho biết họ đã quen sống với cảnh lụt lội như thế hàng năm vào mùa mưa bão. Khi đó, mọi sinh hoạt của người dân khu phố cổ diễn ra trên tầng 2 hoặc sát trên mái nhà”, bà Nguyễn Thu Hạnh cho biết.

Hệ thống sản phẩm này có ý nghĩa thay đổi nhận thức của xã hội đối với việc ứng phó với các yếu tố thiên nhiên bất lợi và trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. “Khi chúng ta nhìn dưới góc nhìn khác sẽ phát hiện ra các giá trị mới mà bình thường nó bị tiềm ẩn, che lấp”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Cần sự phối hợp

Về ý tưởng tạo sản phẩm du lịch từ mưa bão, ông Nguyễn Quốc Thành, Giám đốc Công ty du lịch Hương Giang (Huế) cho rằng, dưới góc độ doanh nghiệp, cần có cái nhìn thực tế vì khi tạo ra sản phẩm du lịch thì phải tính đến yếu tố bán được. Đối với khách quốc tế, họ mua tour trước cả 6 tháng, vậy biết thời điểm nào là xảy ra mưa bão, lũ lụt để mà giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, về tổng thể mưa bão là yếu tố rủi ro. Tuy nhiên, với một vùng thường xảy ra thiên tai, mưa lũ bão, việc tạo ra sản phẩm du lịch từ mưa sẽ làm phong phú các chương trình du lịch. Vấn đề ở đây là cách hiểu về một sản phẩm và cách tiếp thị để làm sao các tour này hấp dẫn với du khách. Và nền tảng cơ bản của sản phẩm du lịch Huế vẫn là yếu tố văn hóa, thiên nhiên. Nay nếu bổ sung đặc trưng của Huế là mưa sẽ hấp dẫn hơn. Ông Thành cũng khẳng định, bản thân ông rất ủng hộ ý tưởng này. Nhưng quan trọng khi thực hiện đề tài này cần phải có kinh phí và kết nối được các doanh nghiệp lữ hành để xem khách cần những gì. Nhất là đối với dòng khách thích mạo hiểm. “Do tác động của biến đổi khí hậu nên chúng ta cũng cần phải có những phương án để thích nghi. Điều này giúp cho sản phẩm phong phú hơn, tăng thêm sức hút chứ không thể thay thế sản phẩm truyền thống”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn phía chính quyền, ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Hàng năm miền Trung chịu khoảng 10 cơn bão và 3 - 5 trận lụt. Thiên tai thường xuyên xảy ra như vậy, nên đề tài của STDe cho thấy yếu tố lạc quan trong việc thích nghi với biến đổi khí khậu. Đánh giá của chúng tôi là nên biến “họa” thành “phúc” và ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu kỹ và tổ chức tour du lịch dịp bão lũ, trong đó vấn đề an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu. Khi đã tổ chức tour dạng này, người làm du lịch phải lường trước hết các yếu tố rủi ro và phải có trang thiết bị an toàn cho khách. Trong vài năm qua, thực tế chứng minh điều này không phải không tưởng bởi thực tế khi có mưa bão lụt, du khách vẫn ở lại Hội An và tham gia một số trò chơi sông nước nhưng chỉ mang tính tự phát”.

Hiện nay, STDe đang để xuất với chính quyền địa phương xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể, bao gồm nghiên cứu ý tưởng cho đến giai đoạn hợp tác, xúc tiến đầu tư để đề tài có thể triển khai sớm nhất.

Xuân Cường