08:08 29/08/2015

Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa”

Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” của Quảng Trị đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình về với nguồn cội của người dân trên khắp mọi miền đất nước.

Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” của Quảng Trị đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình về với nguồn cội của người dân trên khắp mọi miền đất nước.

Theo chân một đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa tại Thành Cổ, không ngăn được dòng nước mắt, cựu chiến binh Đinh Văn Lành, ở thành phố Hải Phòng chia sẻ: “Từng là một người lính tham gia chiến đấu tại đây, tôi may mắn được sống, nhưng rất nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi yên nghỉ. Hôm nay nhờ chương trình du lịch “Hoài niệm xưa và đồng đội” tôi mới có dịp về thăm Thành cổ. Tôi vẫn có thể thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh còn lưu giữ trên mỗi viên gạch hay những hiện vật được trưng bày. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng ký ức về những năm tháng đã qua vẫn luôn sống trong tâm tưởng của mỗi người lính chúng tôi. Ai đã đi qua chiến tranh, đã từng sống những giây phút hào hùng và bi tráng ấy mới thật sự thấm thía ý nghĩa lớn lao của sự sống và sự hy sinh…”.

Hành trình tâm linh

Khác với những tỉnh, thành phố khác, lượng khách du lịch của Quảng Trị hàng năm, đặc biệt vào dịp tháng 7, hầu hết là cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ…

Sân bay Tà Cơn là di tích cách mạng được nhiều du khách đến tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Viết Tôn


Được triển khai từ năm 2005, chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến mảnh đất “thiêng” Quảng Trị. Họ về đây để thăm lại chiến trường xưa nơi bản thân họ, hay con em mình đã từng hiến dâng xương máu cho mảnh đất này nở hoa thanh bình như ngày hôm nay. Một nén hương thơm trên nấm mộ của liệt sỹ chưa biết tên, hay trên tượng đài tại các khu di tích cũng đủ làm ấm lòng người đã khuất và làm yên lòng người đang sống. Về với Quảng Trị là về với cuộc hành trình tâm linh cội nguồn những khát vọng máu và hoa của một thời bi tráng. Trong hàng triệu lượt người về thăm Quảng Trị, có những bà mẹ tóc đã bạc trắng, những người vợ in hằn nếp nhăn trên khuôn mặt vẫn mong chờ khắc khoải tìm thấy con mình, chồng mình...

Anh Đặng Văn Liêm (47 tuổi), xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Bố tôi hy sinh trên chiến trường Quảng Trị nên hằng năm gia đình chúng tôi vẫn cắt cử nhau vào tìm mộ ông. Mới đây, chúng tôi nhận được thông tin từ đồng đội của ông, biết được hiện bố tôi đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh. Nhân dịp này, gia đình chúng tôi theo đoàn cựu chiến binh vào Quảng Trị thắp hương cho bố. Gần 1 tuần lễ ở Nhà khách 27/7, chúng tôi được đón tiếp niềm nở, từ việc ăn, ngủ đến việc sắp xếp đi viếng mộ đều được thực hiện rất chu đáo. Gia đình tôi thấy rất vui và ấm lòng vì những việc làm đầy nghĩa cử cao đẹp trên…".

Chiến tranh qua đi, để lại trên đất Quảng Trị một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Có thể nói, Quảng Trị là một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử ở Quảng Trị phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có nội dung ý nghĩa lịch sử to lớn, là tài sản tinh thần vô giá của đất nước, có ý nghĩa sâu sắc cả về tính dân tộc và thời đại. Với 518 di tích danh thắng, trong đó có 436 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, rất nhiều di tích có giá trị lớn đối với hoạt động du lịch hồi tưởng, du lịch hoài niệm, thu hút, hấp dẫn các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử và khách du lịch như: Địa đạo Vịnh Mốc, Cầu Hiền Lương - Đôi bờ sông Bến Hải, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Bến Tắt - Khe Hó, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đảo Cồn Cỏ, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và các nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9... Đây là những tài sản quý giá, thiêng liêng, là sức mạnh tiềm tàng, là nguồn lực không bao giờ cạn của con người và mảnh đất Quảng Trị.

Để chương trình “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” thực sự đi vào lòng người và có ý nghĩa lan tỏa mạnh trong xã hội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động về nguồn, trong đó tổ chức các lễ hội cách mạng độc đáo gây xúc động mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà còn cả khu vực và thế giới như: Lễ hội “Thống nhất Non Sông” vào dịp 30/4, Lễ hội “Huyền thoại Trường Sơn” vào dịp 27/7, Lễ hội “Khúc tráng ca về một dòng sông”, Lễ hội “Thả hoa trên dòng Thạch Hãn”…

Đầu tư cho du lịch

Để bảo tồn và nâng cấp các di tích cách mạng, UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn lực đầu tư những công trình di tích trọng điểm như hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020 như: tôn tạo di tích Thành cổ Quảng Trị; di tích sân bay Tà Cơn; Cầu Treo-Bến Tắt; bảo tồn và phát huy giá trị di tích Vịnh Mốc; dự án tôn tạo di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiện nay trên địa bàn Quảng Trị đã có 156 khách sạn, nhà nghỉ du lịch với 1.700 phòng, trên 2.800 giường, đủ điều kiện đón khách. Tại các địa bàn quan trọng có nhiều di tích chiến tranh cách mạng thu hút khách du lịch hoài niệm, rất nhiều cơ sở du lịch đã được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu của du khách.

10 năm triển khai chương trình “Du lịch hoài niệm”, chỉ tính riêng từ 2005 đến tháng 6 năm 2009, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở Quảng Trị đã đón gần 1,3 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt 1.966 tỷ đồng. Riêng tổng lượt khách du lịch năm 2014 đạt 1,4 triệu lượt, đạt 1.300 tỷ đồng về doanh thu. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách đến tham quan lưu trú ở Quảng Trị ước đạt 877.000 lượt với tổng doanh thu ước đạt 908 tỷ đồng. Đến nay, nhắc đến du lịch Quảng Trị người ta nghĩ ngay đến du lịch hoài niệm, nơi mảnh đất của máu và hoa về một thời chiến tranh rực lửa trong công cuộc giữ nước.

Biết bao người con đã ngã xuống mảnh đất này, máu xương của họ đã hòa lẫn vào từng tấc đất, mạch nguồn con nước để hôm nay khi đất nước hòa bình đồng đội ơi ta lại về đây. Những giọt nước mắt đầy vơi chứa đựng bao tâm tình của người lính già trên mảnh đất chiến trường xưa một thời đầy máu và nước mắt. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau “sinh ly tử biệt”. Về với Quảng Trị như về với quá khứ hào hùng, về với những ký ức không thể nào quên khi họ đã hiến dâng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời trên mảnh đất này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Chiến cho biết: Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên triển khai chương trình du lịch hoài niệm. Qua 10 năm thực hiện, đến nay chương trình đã thực sự trở thành loại hình du lịch nổi trội nhất và trở thành thương hiệu riêng của Quảng Trị. Cùng với các loại hình du lịch khác như du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch hành lang kinh tế Đông Tây, du lịch con đường huyền thoại khu vực Bắc miền Trung..., Quảng Trị trở thành điểm đến đầy ấn tượng với giá trị tâm linh riêng biệt.

Đây là kết quả của một chặng đường dài trong việc khai thác có hiệu quả hệ thống di tích lịch sử cách mạng. Nhờ loại hình du lịch hoài niệm này nên các di tích lịch sử lớn của tỉnh được mọi người biết đến và được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt như: Địa đạo Vĩnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu dấu 81 ngày đêm chiến đấu; Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Trị. Mặt khác, thông qua chương trình, các di tích đã được đầu tư tôn tạo cơ bản thông qua việc xã hội hóa từ các nguồn đóng góp của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư cũng như mở rộng liên kết với các tỉnh Bắc Trung Bộ nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây để phát triển hơn nữa loại hình du lịch này…

Thanh Thủy