05:06 05/05/2014

Du lịch dịp nghỉ lễ: Chen chúc và chặt chém tái diễn

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình lên kế hoạch đi chơi xa, chính vì vậy mà ở hầu hết các điểm du lịch trong nước đều quá tải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng du khách phải chịu cảnh chen chúc và chặt chém.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình lên kế hoạch đi chơi xa, chính vì vậy mà ở hầu hết các điểm du lịch trong nước đều quá tải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng du khách phải chịu cảnh chen chúc và chặt chém.


Nghỉ lễ kéo dài, du lịch bội thu


Thông tin từ các điểm du lịch trên cả nước, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, ở hầu hết các điểm du lịch đều rất đông khách. Ngay với nhiều địa phương mà du lịch chưa phải là thế mạnh, lượng khách cũng tăng cao hơn so với những năm trước. Đông khách nhất là các vùng biển đẹp, có dịch vụ tốt như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Vũng Tàu... Ở khu vực phía Bắc có vùng biển Hạ Long, Cửa Lò, Sầm Sơn, Đồ Sơn cũng đón lượng lớn du khách.

 

Bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) thu hút đông đảo du khách. ẢNh: Trọng Đức-TTXVN


Tại Đà Nẵng, hầu hết các khách sạn từ 3 - 5 sao ở Đà Nẵng đều “cháy” phòng trong 3 đêm từ 30/4 đến 2/5. Theo Sở VHTTDL Đà Nẵng, tổng lượt khách đến thăm quan, du lịch thành phố Đà Nẵng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 đạt khoảng gần 210.000 lượt người, tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại Huế, từ 30/4 - 2/5 đã có 62.356 lượt khách tham quan di tích Cố đô Huế (bình quân mỗi ngày có hơn 20.000 lượt khách tham quan); doanh thu từ bán vé tham quan và các dịch vụ khác tại các điểm di tích trong những ngày qua đạt gần 3,8 tỷ đồng. Công suất sử dụng buồng phòng khách sạn tại thành phố Huế đạt trên 95%.


Trong những ngày nghỉ này, lượng khách du lịch đổ về thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng cao đột biến, các khu du lịch nổi tiếng như thung lũng Tình Yêu, khu du lịch thác Prenn, thác Đatanla, Dinh Bảo Đại, đồi Mộng mơ, núi Lang Biang… đều chật kín du khách đến tham quan.


Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua đã đón tổng cộng tới 3.000 du khách, tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu. Lượng khách đến quá đông nên các nhà nghỉ, khách sạn đều hết phòng lưu trú, nhiều du khách không có chỗ nghỉ, huyện đã phải huy động các cơ quan, đơn vị có nhà khách, nhà công vụ cùng hàng chục hộ dân có nhà cổ, nhà rộng để du khách ở. Các tàu chở khách cũng hoạt động liên tục mới đưa hết khách ra thăm đảo.


Tại đất mũi Cà Mau, trong 2 ngày lễ 30/4 và 1/5, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đều quá tải, khách tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như khu du lịch Đất Mũi, Khai Long (thuộc huyện Ngọc Hiển); hòn Đá Bạc, cửa biển Sông Đốc (thuộc huyện Trần Văn Thời); Vườn quốc gia U Minh Hạ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc thành phố Cà Mau)… Tổng số khách du lịch đến thăm vùng đất mũi Cà Mau ngày qua đã lên tới 90.000 lượt.


Quá tải và chặt chém


Mặc dù trước đó, Tổng cục Du lịch đã sớm có công văn yêu cầu các địa phương có điểm du lịch phải có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cả trong dịp lễ này. Nhưng trên thực tế, nạn "chặt chém" du khách vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình nhất là tại Hạ Long (Quảng Ninh), nơi diễn ra lễ hội Carnaval. Theo phản ánh của nhiều du khách, giá phòng khách sạn ở đây tăng gấp đôi so với giá niêm yết, giá tàu du lịch cũng tăng đột biến từ 1,6 triệu đồng/tàu (4 - 5 tiếng) lên 3 - 4 triệu đồng tùy thời điểm.


Tại Quảng Bình, do các khách sạn cao cấp và bình dân đều “cháy” phòng trong dịp này, nên giá phòng bị đội lên gấp đôi so với ngày thường. Tại các khách sạn cao cấp như Sun Spa Resort, Sài Gòn - Quảng Bình, phòng đôi có giá lên tới 2,2 triệu đồng/phòng/2 người, trong khi ngày thường chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/phòng. Khách sạn bình dân giá cũng lên tới 800.000 - 1 triệu đồng/phòng, trong khi dịch vụ và tiện nghi không tương xứng, khiến nhiều du khách thất vọng.


Tại Nghệ An, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở Cửa Lò đều "cháy" phòng. Lượng khách tăng, các loại giá cả dịch vụ có tăng hơn trước, trong đó, giá các mặt hàng thủy sản tăng so với ngày thường từ 10 - 15%.


Tại Nha Trang (Khánh Hòa), lượng du khách trong dịp này tăng cao, giá cả dịch vụ cũng bị nâng gấp nhiều lần ngày thường. Chị Đoàn Điệp, du khách đến du lịch Nha Trang dịp này phàn nàn: “Các điểm du lịch tại Nha Trang đông nghẹt người, để lên cáp treo ra đảo Vinperland mà cả nhà tôi mất gần tiếng đồng hồ đợi chờ. Giá dịch vụ, ăn uống cũng tăng nhiều so với ngày thường. Với khách sạn, gia đình tôi đặt trước cả tháng nhưng cũng đắt gần gấp đôi so với trước; còn nếu đặt cận ngày, giá đắt gấp 3 - 4 lần ngày thường”.


Lượng khách đổ về thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh, các bãi tắm đông nghẹt khách, hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều cháy phòng. Trước đó một số chủ nhà nghỉ, khách sạn dùng thủ thuật “găm” phòng, dành cho thuê trong ngày chính lễ để đẩy giá lên cao. Giá phòng nghỉ ở các khu vực gần bãi biển được đẩy lên 1,5 - 3 triệu đồng/ngày, trong khi khu vực cách xa bãi biển dao động 900.000 - 1,3 triệu đồng/ngày. Đây cũng là thời điểm giá cả của một số dịch vụ du lịch đua nhau tăng giá một cách chóng mặt, nhất là giá các loại nước giải khát tại các bãi biển.

 

Tình trạng “chặt chém” du khách vào ngày cao điểm đã diễn ra từ rất lâu, cơ quan quản lý có công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên mà các địa phương không kiểm soát được, việc này đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng du khách, làm xấu hình ảnh của du lịch nước nhà.

 

PV