11:07 19/11/2015

Du lịch di sản văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên

Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.


Thiếu đồng bộ


Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hệ thống đường bộ ở một số tuyến chính như quốc lộ 1, 2, 3, 4, 6, 32, 70, 279... tuy đã được nâng cấp những năm gần đây nhưng vẫn thiếu đồng bộ. Hệ thống hạ tầng ở nhiều huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên từng bước cải thiện các điều kiện sinh hoạt, thay đổi diện mạo thôn bản. Mạng lưới đường sắt ở các tuyến chủ yếu Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên chậm đổi mới về hạ tầng và dịch vụ.

Vẻ đẹp hùng vĩ vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) với đặc trưng tiêu biểu là Di sản Ruộng bậc thang. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Giao thông đường không trong vùng còn hết sức hạn chế, cả vùng mới chỉ có một cảng hàng không Điện Biên Phủ với lưu lượng khách ít. Điều kiện giao thông đường bộ đến các cửa khẩu còn khó khăn, chưa cải thiện nhiều. Vì vậy, việc đi lại di chuyển dòng khách du lịch giữa các địa phương, giữa các điểm du lịch vẫn còn vất vả và mất nhiều thời gian.

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của vùng còn nhiều hạn chế. Tính đến tháng 9/2015, toàn vùng Tây Bắc có hơn 33.000 buồng lưu trú. Trong số các cơ sở lưu trú được xếp hạng chưa có cơ sở lưu trú nào đạt tiêu chuẩn 5 sao; 3 cơ sở 4 sao, 13 cơ sở 3 sao, 94 cơ sở 2 sao và 197 cơ sở 1 sao; công suất sử dụng buồng trung bình đạt xấp xỉ 60%. Toàn vùng có 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép (trong tổng số trên 1.300 doanh nghiệp lữ hành toàn quốc). Các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch còn hết sức sơ sài. Nhìn chung, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ còn thiếu đồng bộ do không thu hút được đầu tư. Hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí còn thiếu thốn và thấp cấp, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều địa phương trong vùng được quan tâm và tăng cường trong thời gian gần đây. Các tỉnh trong vùng đều đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển du lịch. Hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch được chú trọng đẩy mạnh. Nhiều hướng liên kết xây dựng sản phẩm, tuyến du lịch đã được triển khai như Chương trình du lịch về cội nguồn, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Từ năm 2008, chương trình liên kết hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Hà Giang - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình) đã hình thành nhóm hợp tác và khung chương trình hành động giai đoạn 2010-2015 với nhiều nội dung và hoạt động thiết thực và hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển du lịch của các tỉnh trong vùng.

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thông qua Dự án Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU) đã chủ trương thực hiện nhiều hoạt động nâng cao năng lực, kết nối hợp tác, hỗ trợ đào tạo và xúc tiến quảng bá cho vùng giúp hoàn thiện các điều kiện đón tiếp, phục vụ du lịch. Tuy vậy, nhìn chung số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của vùng chưa đảm bảo yêu cầu phát triển.

Hướng phát triển trong tương lai

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng trong thời gian tới, vùng Tây Bắc cần được quan tâm, đầu tư phát triển. Trên cơ sở các quan điểm của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, vùng Tây Bắc cần tập trung vào 2 quan điểm quan trọng, phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện đặc thù của Vùng, đó là: Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Phát triển du lịch dựa trên phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết, xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch.

Trong quá trình phát triển, các Chương trình hành động cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; sản phẩm du lịch Tây Bắc phải chứa đựng sâu sắc những giá trị văn hóa các dân tộc bản địa. Phát triển du lịch xanh, có trách nhiệm, tạo việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống thiết thực cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Cần thúc đẩy phát triển du lịch Tây Bắc trở thành vùng du lịch văn hóa và sinh thái đặc trưng, điểm đến có thương hiệu với những giá trị trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, lịch sử và sinh thái cảnh quan hùng vĩ. Du lịch Tây Bắc sẽ đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, sinh kế cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến năm 2020, vùng Tây Bắc có khả năng đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, với 1.900 cơ sở lưu trú và 40.000 buồng lưu trú; tổng thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng.
Viết Tôn