06:09 24/06/2013

Du lịch Di sản Kinh nghiệm từ Hội An

Việt Nam có nhiều di sản có giá trị, song việc tổ chức khai thác du lịch ở nhiều di sản chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng của di sản.

Việt Nam có nhiều di sản có giá trị, song việc tổ chức khai thác du lịch ở nhiều di sản chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng của di sản. Trong khi đó, Hội An lại là địa phương đã gặt hái nhiều thành công trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tổ chức khai thác tốt du lịch di sản.

 

Ấn tượng từ những con số


Ngày 18/6 vừa qua, bốn điểm đến của Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An, Hạ Long được nhận giải thưởng Asia Destination Awards 2013 của website du lịch Trip Advisor bình chọn. Trong đó, Hội An là thành phố đứng thứ 17 trong 25 điểm du lịch hấp dẫn nhất của châu Á.


 

Hội An đã gặt hái nhiều thành công trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Trước đó, năm 2012, tạp chí Wanderlust (Anh) đã bình chọn Hội An là thành phố được yêu thích nhất thế giới. Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler (Mỹ) bình chọn phố cổ Hội An vào danh sách 10 thành phố du lịch tốt nhất châu Á và nhiều năm liền Tạp chí Smart Travel Asia đã bình chọn Hội An là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á...


Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho thấy, năm 2012, Quảng Nam đón trên 2,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,7% so với năm 2011, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng thu nhập du lịch bình quân gần 30%/năm trong thời kỳ 2008- 2012, đóng góp khoảng 10% vào GDP của toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2013, Quảng Nam đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 19,58% so với cùng kỳ, thu nhập từ du lịch đạt 1.859 tỷ đồng, tăng 27,84% so với cùng kỳ năm trước.


ThS Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đánh giá, tại các địa phương có di sản văn hóa thế giới, lượng khách du lịch có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế là hai địa phương có sự tăng trưởng khách cao hơn so với các địa phương khác. Với Huế, giai đoạn 2000- 2012, lượng khách tăng khoảng 5 lần, tổng thu nhập từ du lịch tăng khoảng 10 lần. Quảng Nam là trường hợp đặc biệt, ngay sau khi được công nhận có hai di sản thì lượng khách đến năm sau đó đã tăng khoảng bốn lần. Giai đoạn 2000-2012 lượng khách quốc tế đến Quảng Nam tăng khoảng 14 lần, khách nội địa tăng khoảng 50 lần, tổng thu nhập từ du lịch tăng khoảng 35 lần. Đây là điển hình cho việc khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển.


Thành công nhờ sự đồng thuận


Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, thành công này có được là do nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn xem việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đồng thời, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản.


Theo đó, bên cạnh việc chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các giá trị di sản văn hóa vật thể, Quảng Nam còn coi trọng việc gìn giữ các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng và văn nghệ dân gian mang đậm chất văn hóa xứ Quảng. Từng bước giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giải quyết vấn đề lợi ích của cộng đồng, huy động cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới như du lịch sông nước Cẩm Thanh, du lịch làng quê Trà Nhiêu, du lịch sông Thu Bồn, các làng nghề truyền thống… nhằm giảm áp lực du lịch đến với khu vực Mỹ Sơn và Hội An, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.


Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - Du lịch, UBND TP Hội An, nhận thức được giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, TP Hội An đã quyết định hướng đi “Phát triển du lịch Hội An bền vững trên nền tảng gắn kết văn hóa và sinh thái”. Từ những thực tiễn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với du lịch, Hội An đã phát triển du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn văn hóa và môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với văn hóa du lịch. Khoanh vùng di sản và giảm tốc quá trình đô thị hóa trong khu vực di sản. Tôn trọng và phát huy tính năng động sáng tạo của con người thành phố, chú trọng tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ di sản, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo tồn di tích với lợi ích từ việc khai thác giá trị di tích trong cộng đồng…


Từ những kinh nghiệm này cho thấy, chỉ có bảo vệ di sản một cách tốt nhất, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo tồn với khai thác lợi ích từ di sản và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng thì du lịch di sản mới phát huy hiệu quả. Đây là bài học đơn giản nhưng không phải nơi nào cũng học tập và làm theo được một cách hiệu quả như Hội An.

 

Phương Hà