06:11 28/06/2018

Dự kiến chi 10 tỷ đồng cho Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Trong 2 năm 2018-2019, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa và Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029-2019), trong đó kinh phí dành cho Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa được dự kiến khoảng 10 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Lễ hội Lam Kinh.

 

Các hoạt động sẽ được tổ chức thực hiện trên tinh thần thiết thực, tiết kiệm, nhưng đạt hiệu quả, hiệu ứng xã hội cao nhất.

   

Theo đó Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa được tỉnh Thanh Hóa xác định là tâm điểm của chuỗi hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Lễ kỷ niệm này dự kiến sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại Quảng trường Lam Sơn (Thành phố Thanh Hóa) vào ngày 8/5/2019 với phần Nghi lễ và chương trình Nghệ thuật chào mừng mang chủ đề "990 năm Danh xưng Thanh Hóa". Sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp. Lễ kỷ niệm sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh, truyền hình Thanh Hóa.
   

Ngoài ra, theo kế hoạch các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa và Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa sẽ diễn ra các sự kiện trọng tâm như: Lựa chọn khởi công các công trình đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích và gắn biển chào mừng kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa; Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, Liên hoan văn nghệ quần chúng, Sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, Xuất bản sách về Thanh Hóa; Khai mạc Triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa gắn với triển lãm tư liệu, tài liệu lưu trữ, sách báo, hình ảnh, hiện vật "Thanh Hóa xưa và nay"; Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu "Lịch sử tỉnh Thanh Hóa trải qua 990 năm hình thành và phát triển"; Chung kết liên hoan Văn nghệ quần chúng toàn tỉnh với chủ đề ca ngợi quê hương Thanh Hóa...   

 

Chú thích ảnh
Thành nhà Hồ, di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa.

 

Để tổ chức những hoạt động này, thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Thanh Hóa dựa theo sự đóng góp ý kiến, sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan sẽ soạn thảo một khái toán kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa cũng như Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa để Sở Tài chính thẩm định sau đó trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt.

 

Bản dự thảo khái toán kinh phí này là kinh phí tổ chức các chuỗi sự kiện trước, trong, sau Lễ Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, cụ thể: Kinh phí tổ chức Lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 ngày mất của anh dùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 dự kiến chi khoảng 8 tỷ đồng; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (tháng 4/2019) dự kiến chi 23,4 tỷ đồng; Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa (tháng 5/2019) dự kiến chi khoảng 9,7 tỷ đồng; Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2019 (tháng 4/2019) dự kiến chi khoảng 5 tỷ đồng... Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (8/5/2019) được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại Quảng trường Lam Sơn - Thành phố Thanh Hóa với phần Nghi lễ và chương trình Nghệ thuật chào mừng mang chủ đề "990 năm Danh xưng Thanh Hóa" dự kiến chi 10 tỷ đồng.
   

 

Tổng kinh phí cho toàn bộ các sự kiện nêu trên dự kiến là 104,7 tỷ đồng từ ngân sách dịa phương và từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến kinh phí, chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.  
   

 

Theo ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê Sơ, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn). Thanh Hóa cũng là đất "thang mộc" của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại. Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của tỉnh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa. Những hoạt động trước, trong và sau Lễ kỷ niệm sẽ giúp khơi dậy niềm tự hào đối với truyền thống lịch sử, mảnh đất và con người xứ Thanh, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương.  Đây cũng là động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như lời Bác Hồ đã dặn trong lần Người về thăm Thanh Hóa.
   

 

Trước đó, trong Hội thảo khoa học "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử" hồi tháng 5/2017 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Ban Tuyên giáo - Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước đã kết luận danh xưng Thanh Hóa xuất hiện năm Thiên Thành thứ hai triều Lý Thái Tông (năm 1029) và trích dẫn nhiều nguồn tư liệu: chính sử, thư tịch, văn bia, nhất là văn bia thời Lý và các ghi chép trong "Cương mục" để minh chứng và bảo vệ quan điểm của mình. Trong kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (tháng 7/2017) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy năm 1029 là năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đây thực sự là một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

 

Duy Hưng - Hoa Mai (TTXVN)