09:18 06/09/2018

Du khách Việt Nam và Trung Quốc là thị trường nguồn của nhau

Hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện để phát triển, bởi Trung Quốc là nước có ngành du lịch phát triển mạnh trong khu vực, đặc biệt đây là thị trường nguồn khách và đầu tư quan trọng của du lịch Việt Nam.

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị hợp tác phát triển du lịch Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 6/9.

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn ho, Thể thao và Du lịch Việt Nam, cho biết những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nguồn khách quan trọng của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách luôn đạt mức cao, nhiều điểm đến đã trở nên hấp dẫn đặc biệt với khách Trung Quốc như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng… Ngược lại, ngày càng nhiều người Việt Nam chọn Trung Quốc là điểm đến cho những chuyến du lịch của mình, trở thành thị trường nguồn khách lớn thứ hai của Trung Quốc.

Năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng số gần 13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2016 có 3,1 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch tại Trung Quốc. Như vậy lượng khách qua lại giữa hai bên gần như tương đương.

Chú thích ảnh
Cầu Vàng (Đà Nẵng) là điểm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. 

Trong khi đó, là nơi có lượng du khách Trung Quốc ghé thăm nhiều nhất nhì tại Việt Nam và cũng là "điểm nóng" về du khách Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết thị trường khách Trung Quốc có tiềm năng và quan trọng không chỉ đối với du lịch Việt Nam mà cả thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở thị trường Việt Nam, du khách Trung Quốc chi tiêu 639USD/người, thời gian lưu trú là 7,6 ngày, tương đương 90 USD/người/ngày. Riêng tại Nha Trang, du khách Trung Quốc thường lưu trú từ 4 - 5 ngày, ở khách sạn từ 3 sao trở lên. Họ được xem là du khách dễ tính, chi tiêu nhiều. Họ rất thích ăn uống, đặc biệt các loại hải sản có giá cao như tôm hùm, cá mú, cua gạch... Du khách Trung Quốc cũng rất thích các đặc sản như yến sào, trầm hương, cao su và các loại nông sản như cà phê, hạt điều… Đây là những thuận lợi để ngành du lịch Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung có hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc.

“Sắp tới, lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang sẽ tiếp tục tăng. Để hạn chế những hệ lụy xảy ra như vừa qua, trước mắt các nhà quản lý Việt Nam cần chủ động tổ chức đón khách Trung Quốc bài bản, tăng cường kiểm soát chặt hoạt động các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc, tăng số lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Trung để đảm bảo chất lượng cũng như tránh các vấn đề phát sinh không hay xảy ra như vừa qua. Tăng cường phối hợp cùng Đại sứ quán, Lãnh sự quán Trung Quốc để cung cấp thông tin thông tin và hỗ trợ giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh, đảm bảo mang lại sự an ninh, an toàn cho du khách”, ông Thành cho biết thêm.

Nhận định về thị trường du lịch Việt Nam, bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết du lịch đã trở thành phương thức hữu hiệu nhất để tìm hiểu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ  giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, từ tháng 1 – 8, cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) đón tổng cộng 7,7 triệu lượt du khách ra vào, tăng 24% so với cùng kỳ, đặc biệt là từ trung tuần tháng 7, số lượng du khách qua lại hàng ngày đạt hơn 30.000 lượt. 

Chú thích ảnh
Bà Doãn Hải Hồng cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và trao đổi ý kiến để thúc đẩy ngành du lịch hai nước phát triển bền vững.

Vì vậy, để việc hợp tác du lịch giữa nước phát triển hơn, theo bà Doãn Hải Hồng, sắp tới Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và trao đổi ý kiến một cách sâu sắc, thấu đáo hơn về những vấn đề như: thông quan, các tuyến bay, điểm đến và các tour du lịch mới nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch và giải quyết kịp thời các sự cố du lịch như vừa qua… từ đó tạo ra những hành lang pháp lý chặt chẽ giữa hai nước, để việc hợp tác du lịch Trung Quốc – Việt Nam phát triển hơn; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị lữ hành hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác lành mạnh, bền vững trong tương lai.

Nói về việc hợp tác du lịch của hai nước trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là con đường để tăng cường, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong thời gian tới, để ngành du lịch Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển bền vững, các cơ quan quản lý du lịch và công ty lữ hành của hai nước tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, hệ lụy không hay như vừa qua. Hai bên cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật của cả hai nước và cần hợp tác toàn diện trên các cấp độ như giữa nhà nước, địa phương và giữa các doanh nghiệp lữ hành. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách hai bên, cần đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, cơ quan quản lý du lịch hai nước hợp tác chặt chẽ quản lý tour giá rẻ, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho du khách, đồng thời kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm với mục tiêu giữ gìn môi trường du lịch của Trung Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp và bền vững hơn nữa.

Trong khuôn khổ của hội nghị này, các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc đã cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động du lịch. Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh, cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhiều nhóm khách Trung Quốc và Việt Nam.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức