03:12 25/03/2019

Du học tự túc tại Nhật Bản - Bài 2: Bỏ trốn - Hậu quả và hệ lụy

Vụ việc khoảng 700 du học sinh nước ngoài, trong đó có du học sinh Việt Nam, bỏ trốn hoặc không liên lạc được tại trường Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo đang gây xôn xao dư luận.

Chú thích ảnh
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản, nơi đang có nhiều du học sinh Việt Nam theo học.

Đại đa số các du học sinh biết học tập vẫn là mục tiêu chính, đi làm chỉ để trang trải cho cuộc sống du học ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với những em đi du học với mục đích đi làm, các em không thắng nổi bản thân nên sau một thời gian ngủ gật, mệt mỏi trên lớp đã tự động nghỉ học để tập trung đi làm thêm. 

Du học sinh khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài làm thêm, thường nghĩ đến viễn cảnh sẽ có thu nhập cao, tài chính ổn định, được tự do, thoát khỏi nỗi lo bị quản lý, gánh nặng học tập... Tuy nhiên, đó chỉ là là cái được vô cùng nhỏ bé nhưng rất nguy hại, vì ẩn đằng là nguy cơ các em mất cả tương lai và thậm chí làm liên lụy đến những người khác. 

Trước hết, khi quyết định bỏ học, trốn ra ngoài, du học sinh đã tự mình chọn con đường sống bất hợp pháp. Theo luật pháp Nhật Bản, nếu một du học sinh bị trường báo cáo lên cơ quan nhập cư là nghỉ học và bị cơ quan nhập cư Nhật Bản xác nhận đã nghỉ học 3 tháng, tư cách lưu trú sẽ tự động mất hiệu lực, dù thời hạn thị thực trên giấy tờ vẫn còn và như vậy nếu bị bắt, du học sinh này sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản.  

Một số em trốn ra ngoài để đi làm, gặp được chủ doanh nghiệp tốt, thấu hiểu hoàn cảnh, được đối xử công bằng, song điều đó cũng khiến những người chủ này phải đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng vi phạm luật pháp vì đã bao che cho người cư trú bất hợp pháp. Đã có một số chủ doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt giữ vì đã tuyển dụng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Có những em thiếu may mắn rơi vào hoàn cảnh bị ngược đãi, bị quỵt tiền do chủ biết các em sẽ không dám trình báo với cơ quan chức năng.

Trước thực trạng số vụ tội phạm do người nước ngoài gây ra gia tăng, từ năm 2018, nhà chức trách Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp truy quét người nước ngoài sống bất hợp pháp, trong đó có các du học sinh bỏ trốn. Cuối năm 2017, cảnh sát tỉnh Aichi (Ai-chi) đã vây bắt 13 người Việt Nam, trong số có cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đã cư trú bất hợp pháp, trong đó người ngắn nhất là bốn tháng và người sống lâu nhất là hai năm hai tháng. 

Ngày 30/8/2018, báo Mainichi đã có bài tường thuật vụ một du học sinh nữ người Việt, 25 tuổi, bị tòa án địa phương Nara phán quyết vi phạm luật xuất nhập cảnh vì đã cư trú bất hợp pháp, bị tuyên án tù hai năm và hoãn thi hành án ba năm, bị cưỡng chế về nước. Du học sinh này đến Nhật Bản tháng 1/2015 với ước mơ trở thành điều dưỡng viên, học tại trường tiếng Nhật ở tỉnh Miyazaki theo chương trình hai năm. Trước đó, gia đình đã phải vay số tiền 1.250.000 yên (11.367 USD) để trả cho người môi giới.

Khi đến Nhật Bản, du học sinh này vấp phải một thực trạng vô cùng khó khăn. Mặc dù không có nguyện vọng làm bán thời gian theo sự phân công của trường, song em vẫn bị điều đi làm việc tại một cơ sở điều dưỡng là chi nhánh của trường tiếng Nhật. Sau khi bị trừ các khoản tiền, trong đó có tiền ký túc xá, em chỉ được nhận 20.000 yên/tháng (182 USD), một số tiền quá ít ỏi. Sống trong lo lắng nguy cơ gia đình ở Việt Nam có thể mất nhà vì không có tiền trả nợ, em đã quyết định bỏ trốn khỏi trường để đi làm, nhưng đã bị bắt trong một lần truy quét người cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất. Kết cục buồn này là do quyết định sai lầm của em trong lúc quá lo lắng, bởi nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, em hoàn toàn có thể nhờ tư vấn từ các tổ chức, các luật sư hỗ trợ du học sinh để tìm giải pháp.

Bỏ trốn đã là một quyết định sai lầm. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là khi lựa chọn làm kẻ sống ngoài vòng pháp luật, các em trở thành "miếng mồi" và là đối tượng ưa thích để các băng nhóm tội phạm lôi kéo, đặc biệt là những em muốn kiếm tiền nhanh và nhiều nhưng không muốn làm việc vất vả. Tham gia một băng nhóm tội phạm là các em đẩy mình vào tình trạng vi phạm luật pháp ở cấp độ nghiêm trọng, trở thành đối tượng tội phạm hình sự tại Nhật Bản. Đây chính là hậu quả lớn nhất, là điều đáng báo động nhất. 

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, số vụ trộm cắp, phạm tội hình sự do người nước ngoài gây ra tăng cao. Tổng số vụ phạm pháp hình sự của người Việt Nam tại Nhật Bản năm 2017 là 3.591 vụ, trong đó số vụ trộm cắp vặt, chưa phải tội hình sự, là 3.080 vụ chiếm 85,8% . Số người Việt Nam bị bắt về tội hình sự là 1.443 người, trong đó số du học sinh là 690 người, chiếm gần 50% . Mặc dù số du học sinh bị bắt vì tội hình sự đã giảm đáng kể từ 794 em năm 2016 xuống 690 em năm 2017, tương đương 13,1%, nhưng nhìn chung số vụ trộm cắp của người Việt Nam, trong đó có du học sinh vẫn ở mức cao.

Đầu năm 2019, tại Nagoya, một du học sinh Việt Nam bị bắt vì bị phát hiện đã tham gia một nhóm trộm cắp. Du học sinh này đã nhiều lần vi phạm kỷ luật của trường, bị trường đình chỉ học và chuẩn bị được đưa về nước. Trong thời gian chờ về nước, em này đã bỏ trốn. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ du học sinh này và phát hiện em liên quan đến một đường dây tội phạm. Hiện tại, em vẫn đang bị giam giữ.

Tháng 6/2017, đài truyền hình ANN và đài FNN của Nhật Bản đưa tin về băng trộm cắp liên hoàn là các du học sinh người Việt Nam. Theo truyền thông Nhật Bản, nhóm này có hơn 30 thành viên, thực hiện khoảng 300 vụ, với số tiền và tài sản ước tính đã vượt quá 300 triệu yên (2,7 triệu USD).   
Những người cư trú bất hợp pháp sau khi bị bắt và bị trục xuất sẽ không được quay trở lại Nhật Bản trong vòng 5 năm. Nếu chủ động ra trình diện nhà chức trách sau một thời gian lẩn trốn, thời gian bị cấm quay lại Nhật Bản sẽ ngắn hơn. Đối với tội phạm hình sự, phải chịu các mức án nặng hơn và suốt đời là đối tượng có tiền án. 

Một hệ lụy nữa là hình ảnh người Việt Nam trong mắt người Nhật Bản, “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc truyền thông Nhật Bản thỉnh thoảng đưa tin về việc du học sinh Việt Nam bỏ trốn, phạm tội làm cho một số người Nhật đánh đồng với hình ảnh của cộng đồng người Việt, khiến đôi khi người Việt Nam bị người sở tại quan sát bằng ánh mắt tiêu cực.

Bài 3: Để cánh cửa du học thực sự là cơ hội

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)