06:10 03/06/2018

Dự định lắp THAAD tại Đức, Mỹ muốn gửi cảnh báo gì đến Nga?

Quân đội Mỹ đang cân nhắc khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Đức.

Phóng tên lửa đánh chặn THAAD. Ảnh: Reuters

Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên cho hãng tin Reuters biết, việc triển khai hệ thống THAAD sẽ được thực hiện tại Căn cứ không quân Ramstein.

Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh: “Nó sẽ gửi đi thông điệp chính trị mạnh mẽ hơn tới các quốc gia châu Âu rằng chúng tôi đang nghiêm túc bảo vệ đồng minh”.

Về phần mình, Berlin ngỏ ý sẵn sàng cho Mỹ lắp THAAD để bảo vệ người dân tốt hơn. Hãng Reuters cũng trích lời một quan chức quân sự cấp cao Đức cho rằng châu Âu cần hệ thống radar trải rộng cả châu lục để phát hiện và theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng.

Các nguồn thạo tin cho biết mặc dù Washington không cần Berlin cho phép để tiến hành lắp đặt hệ thống như giao ước hiện tại giữa hai bên, Đức vẫn sẽ được Mỹ chính thức thông báo về việc triển khai THAAD nếu như kế hoạch được thực hiện.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và châu Âu căng thẳng vì những chính sách thuế và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn nói: “Mỹ không chỉ còn đơn giản là bảo vệ chúng ta nữa”, và hối thúc châu Âu “tự nắm lấy số phận của mình”.

Phản hồi về thông tin lắp đặt THAAD, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hiện chưa có quyết định nào liên quan tới THAAD được đưa ra. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon cho biết: “Mỹ chưa có kế hoạch triển khai các hệ thống THAAD ở Đức. Chúng tôi không thỏa luận về những kế hoạch quân sự tiềm năng trong tương lai vì chúng tôi không muốn tiết lộ ý định của Mỹ tới các đối thủ tiềm tàng. Đức hiện vẫn là một trong những đối tác thân thiết và mạnh nhất của Washington”.

Từ lâu Mỹ luôn muốn tạo dựng lá chắn chống tên lửa ở châu Âu, lắp đặt các hệ thống phòng không tại các nước bao gồm Ba Lan và Romania để đối phó với sự phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.

Tuy nhiên, chính phủ Nga lại coi những hành động này của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh và cho rằng cùng với sự tăng cường quân sự của NATO dọc biên giới Nga, các hành động của Mỹ chỉ làm cho căng thẳng khu vực gia tăng và khiến châu Âu kém an toàn hơn.

Một vài tháng trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin, nhận định các hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo (AMD) tại châu Âu là một phần kế hoạch toàn cầu của Washington nhằm bao vây Nga với hàng trăm tên lửa.

“Hệ thống phòng tên lửa đã được lắp đặt trên đất Mỹ tại California và Alaska”, Thứ trưởng Fomin cho biết. Nhật Bản cũng đồng ý cho Mỹ lắp hệ thống Aegis Ashore trong khi THAAD tại Hàn Quốc lắp đặt xong.

Tuần trước, người đứng đầu Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ - Tướng Curtis Scaparrotti – tuyên bố ông cần thêm binh sĩ và trang thiết bị để “làm tốt hơn việc ngăn chặn Nga và hiểu rõ Nga hoạt động ra sao”.

Căn cứ không quân Ramstein là trụ sở của Không quân Mỹ tại châu Âu và là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ trên lãnh thổ Liên minh châu Âu, đồng thời là Bộ Tư lệnh Không quân Thống nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Năm 2017, hàng nghìn người đã biểu tình bên ngoài căn cứ này phản đối việc triển khai các hoạt động máy bay không người lái của Lầu Năm Góc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức