11:22 30/11/2011

Dự báo thị trường cuối năm: Giá tiêu dùng sẽ tăng nhưng không “sốt giá”

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà phân phối hàng hóa, do đã có sự chủ động nguồn hàng, nên từ nay đến cuối năm giá hàng hóa sẽ vẫn tăng theo quy luật, nhưng không “gây sốc”.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà phân phối hàng hóa, do đã có sự chủ động nguồn hàng, nên từ nay đến cuối năm giá hàng hóa sẽ vẫn tăng theo quy luật, nhưng không “gây sốc”. Đặc biệt, nếu khống chế tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm, giá thực phẩm sẽ ổn định và đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thời điểm thị trường hàng hóa dễ “lên cơn sốt” bởi nhu cầu tăng cao, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người dân.

Tại siêu thị, các loại rau quả, lương thực, thực phẩm không xảy ra tình trạng khan hàng. Ảnh: Lê Phú


Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết được giao cho 15 DN thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá trên địa bàn TP. Cùng với đó là các DN thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, các hộ kinh doanh trong chợ, các DN sản xuất và các làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khẳng định: TP Hà Nội đã tập trung các nguồn lực đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Cụ thể, để đảm bảo lượng hàng cung ứng, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn với tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ khoảng 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc Điều hành Hapro, cho biết: Năm nay, Hapro đặc biệt chú trọng đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Bên cạnh tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội với các mặt hàng thiết yếu, Hapro sẽ phối hợp với UBND các huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức 13 phiên chợ Tết tại 13 huyện.

Hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam cũng đã sẵn sàng chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và hàng Tết bắt đầu được chuyển về kho. Thông thường mỗi dịp Tết, siêu thị này sẽ nhập lượng hàng hóa tăng cao hơn so với năm trước là 30%. Năm nay, tùy từng mặt hàng có mức nhập tăng - giảm khác nhau, nhưng nhìn chung mức tăng so với năm ngoái cũng khoảng 30%.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, cho biết: Fivimart đã lên kế hoạch và xác nhận với nhà cung cấp về lượng hàng cho dịp Tết năm nay. Việc đặt hàng sớm sẽ giúp các nhà cung cấp chủ động được lượng hàng cung cấp, đồng thời đảm bảo giá cả không tăng đột biến. Đặc biệt, năm nay tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Fivimart sẽ bày bán nhiều giỏ quà Tết hàng Việt Nam chất lượng cao với giá cả hợp lý.

Cũng giống như TP Hà Nội, các DN tại TP Hồ Chí Minh cũng đang đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng khá lớn để có thể cung ứng cho thị trường, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn giá. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết năm nay chiếm 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Hiện tại, hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart đã hoàn tất việc chuẩn bị nguồn hàng, hệ thống giao nhận kho vận để chuẩn bị phân phối 24.000 tấn hàng hóa với vốn dự kiến sử dụng cho dự trữ hàng hóa lên tới 2.800 tỷ đồng. Đại diện hệ thống siêu thị này khẳng định: Với nhiệm vụ được giao bình ổn 9 nhóm hàng thiết yếu trong dịp Tết tại TP Hồ Chí Minh, hiện hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn đã trữ xong tại tổng kho. Với các mặt hàng như thực phẩm chế biến, thịt gia súc gia cầm, rau củ quả, trái cây, Saigon Co.op Mart đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, là nơi có vùng nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn an toàn khác để ký hợp đồng với các nhà cung cấp.

Nỗ lực bình ổn giá

Không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết là mục tiêu mà các cơ quan chức năng đang nỗ lực đảm bảo. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu không để đầu cơ gây sốt giá, thiếu hàng trong dịp Tết 2012.

Cũng theo tinh thần của Chỉ thị, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với đời sống, xã hội, đặc biệt là đến việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 và năm 2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, tiêu thụ sản phẩm, khả năng tiếp cận vốn của các DN nhỏ và vừa, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để tiết kiệm thời gian, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.

Bộ Công Thương cũng đang triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các tháng cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Bộ sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho DN đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, kế hoạch phục vụ các dịp lễ, Tết cuối năm của TP đã xây dựng xong. Không chỉ đảm bảo về các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhiều mặt hàng như: Xăng dầu; bia rượu, nước giải khát; bánh kẹo; đường sữa cũng được cơ quan này dự tính chi tiết, vừa tránh thiếu hàng, vừa không để xảy ra tình trạng tồn kho sau Tết.

TP Hà Nội cũng yêu cầu các DN phải chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đảm bảo dự trữ hàng hóa có chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và sau Tết Nguyên đán, không để khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Tại 653 điểm bán hàng bình ổn giá của Hà Nội, 9 mặt hàng thiết yếu được TP yêu cầu phải dồi dào, niêm yết giá đầy đủ và bán theo giá được Sở Tài chính chấp thuận. Trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hóa trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục và mức tăng 15% trở lên, DN phải báo cáo Sở Tài chính, Sở Công Thương và chỉ được điều chỉnh giá sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Sở Tài chính. Mức giá điều chỉnh cũng phải đảm bảo nguyên tắc thấp hơn giá thị trường 10%.

Đỗ Huyền