03:11 12/03/2011

Dự án “Viết tiếp câu chuyện Nora”

Sáng qua, ngày 11/3/2011, tại Hà Nội, Ban Thanh thiếu niên (VTV6)- Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu Thanh niên với vấn đề bình đẳng giới trong khuôn khổ dự án “Viết tiếp câu chuyện Nora”.

Sáng qua, ngày 11/3/2011, tại Hà Nội, Ban Thanh thiếu niên (VTV6)- Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu Thanh niên với vấn đề bình đẳng giới trong khuôn khổ dự án “Viết tiếp câu chuyện Nora”.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu đã đưa ra được những nội dung về biểu hiện của bất bình đẳng giới, quan điểm về bình đẳng giới, đánh giá về vai trò của phụ nữ hiện nay, các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bình đẳng giới, hiểu biết về nguyên nhân và hệ lụy của bất bình đẳng giới, các giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới… Kết quả nghiên cứu cũng đã đưa ra những góc nhìn của người trẻ trước vấn đề bình đẳng giới.

Hơn 100 năm trước, với sự xuất hiện của vở kịch nói “Nhà búp bê” - nhà viết kịch người Na Uy Henrik Ibsen được ví đã tạo nên “phát đại bác” lịch sử cho công cuộc giải phóng phụ nữ và quan niệm về vai trò người phụ nữ trong gia đình. Tác phẩm này đã được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới.

Đánh giá cao ý nghĩa thời đại của thông điệp đó, Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6) và Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) đã phối hợp xây dựng dự án “Viết tiếp câu chuyện của Nora”, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam hỗ trợ. Dự án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn I, từ ngày 11/9-5/12/2009 tổ chức cuộc thi “Viết tiếp câu chuyện của Nora” dành cho các bạn trẻ ở độ tuổi từ 16-26.

Qua đó, khuyến khích các bạn nêu quan điểm của mình về nguyên nhân cũng như giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng giới đang diễn ra hiện nay. Trong giai đoạn II, các bài viết của cuộc thi được phân tích và sử dụng cho một nghiên cứu để tìm hiểu cách nghĩ, cách hiểu của giới trẻ với vấn đề bất bình đẳng giới.

P.V