07:10 03/07/2017

Dự án nhà ở bị thế chấp ngân hàng có nên mua?

Một số dự án bất động sản hiện bị chủ đầu tư đem cầm cố, thế chấp ngân hàng. Làm sao để đầu tư an toàn, hiệu quả vào các dự án này?

Theo chuyên gia Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, thị trường bất động sản vẫn có những dự án bị dừng thi công, đóng băng hoặc không thể triển khai vì nhiều yếu tố khác nhau. Nếu đang đầu tư vào các dự án vay vốn, thế chấp ngân hàng, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh tổn hại lợi ích.

Người mua nhà nên quan tâm đến tính pháp lý của dự án, cũng như năng lực tài chính của chủ đầu tư có dự án thế chấp ngân hàng.

Thực tế, vốn ngân hàng vẫn đóng vai trò quyết định trên thị trường. Đây là nguồn vốn vô cùng cần thiết và giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai nhiều dự án trong thị trường bất động sản. Đây cũng là thực tế chung của thị trường bất động sản ở nhiều nước trên thế giới.

"Về bản chất, nợ và thế chấp ngân hàng không phải là xấu mà chỉ là một công cụ vốn, tài chính cho chủ đầu tư dự án, yêu cầu họ phải đảm bảo được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và dòng tiền ổn định để chi trả phần lãi trên vốn vay. Đây chính là điểm mấu chốt thành bại của nhiều dự án", ông Khương cho hay.

Cũng theo ông Khương, với những dự án chưa triển khai, việc sử dụng vốn vay thường cần thiết để thực hiện đền bù, giải tỏa, nộp tiền sử dụng đất sau khi chủ đầu tư đã có được nghĩa vụ tài chính. Khi chủ đầu tư không còn có đủ khả năng tài chính sau khi thanh toán xong nghĩa vụ này, họ có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án để một hoặc nhiều nhà đầu tư mới có thể tham gia tiếp tục triển khai và cơ cấu các khoản vay của dự án.

Theo Savills, việc không tìm được nhà đầu tư hợp tác hoặc chậm trễ trong tìm kiếm nguồn vốn mới sẽ dẫn tới dự án bị đóng băng. Trong trường hợp đây là một dự án liên doanh thì có thể dẫn tới rủi ro cho những cổ đông còn lại, khi một cổ đông lớn buộc phải nhượng lại cổ phần của mình cho ngân hàng khi không thể chi trả lãi vay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Savills, các nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng khi dự án bị cầm cố ngân hàng. Nếu đặt câu hỏi làm thế nào để đầu tư an toàn vào những dự án sử dụng dòng vốn vay ngân hàng thì quan trọng nhất là phải định nghĩa rõ sự an toàn đối với từng trường hợp và từng nhà đầu tư. Với những nhà đầu tư khác nhau, với mục tiêu và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau thì định nghĩa an toàn cũng sẽ không đồng nhất.

Tuy vậy, nhìn chung, một trong những rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản thường đến từ mặt tiến độ pháp lý của dự án và khi tham gia góp vốn thì nhà đầu tư phải nắm rõ dự án đang ở giai đoạn nào trong tiến độ hoàn thành, còn thiếu những giấy tờ nào và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện. Sau khi đã nắm rõ những yếu tố này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể phân tích và đưa ra được quyết định phù hợp nhất.

Theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư được phép thế chấp dự án hình thành trong tương lai để vay vốn. Qua đó, ngân hàng đã thẩm định tính khả thi của dự án rồi mới cho vay. Do vậy, chủ đầu tư có thế chấp dự án hay không, không phải điều đáng lo ngại.

"Dự án đã thế chấp không có nghĩa là chủ đầu tư không được bán. Ngân hàng cũng cần thu về dòng tiền nên nếu ngân hàng cho phép chủ đầu tư bán và kiểm soát dòng tiền này thì chủ đầu tư vẫn được phép bán. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm khi chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức