Hơn một năm nay, trên đoạn đường dài khoảng 3 km, người dân không thể đi lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của hơn 80 hộ dân các xóm Tiểu Khu, Bích Trụ (thành phố Hòa Bình).
Dự án Kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ thuộc xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được triển khai thi công từ tháng 8/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, quá trình thi công phát sinh một số vấn đề phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế để đảm bảo an toàn. Hơn một năm nay, đoạn đường dài khoảng 3 km, người dân không thể đi lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của hơn 80 hộ dân các xóm Tiểu Khu, Bích Trụ.
Thực tế hiện nay, người dân xóm Tiểu Khu đang phải gánh chịu rất nhiều khó khăn trên đoạn đường thi công dang dở. Xe tải cỡ lớn chở đất, đá men theo con đường dọc bờ sông gây cản trở các phương tiện lưu thông cùng tuyến. Nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì bùn đất lầy lội. Mặc dù người dân phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn bị bụi mịn phủ trắng khắp nơi.
Hộ gia đình ông Ngô Văn Trình, xóm Tiểu Khu, xã Hòa Bình cách nơi thi công khoảng 200m, mặc dù căn nhà của ông Trình mới xây dựng được 2 năm nhưng đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt ở tường, trần nhà, cầu thang... do quá trình thi công, đơn vị nổ mìn gây rung lắc.
Ông Trình bức xúc: "Hơn 1 năm qua, gia đình phải chung sống với những tiếng ồn ào, rung lắc khi đơn vị thi công nổ mìn phá đá. Quanh nhà chỗ nào cũng nứt nẻ, sụt lún do rung chấn. Các thành viên trong gia đình đều lo lắng, bởi khu vực này địa chất không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó là ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là các bệnh về đường hô hấp”.
Ngoài ra, hơn 80 hộ dân tại xóm Tiểu Khu rất bực xúc về việc thiếu nước sạch sinh hoạt kéo dài nhiều năm nay. Mặc dù, nằm ngay cạnh hồ chứa thủy điện Hòa Bình người dân vẫn "khát nước sạch", do dự án nước sạch được triển khai không phát huy được hiệu quả. Theo người dân phản ánh, dự án hoàn thành được mấy năm nay nhưng chưa một lần dùng nguồn nước sạch này. Đến nay, bể nước chứa của dự án đã bị vùi lấp bởi đất đá, do nổ mìn làm đường, các ống nước dự án cũng đứt, vỡ nhiều chỗ.
Nhiều năm nay, người dân xóm Tiểu Khu vẫn phải tự đầu tư mua ống nhựa để kéo nước từ mó, cách xa hàng cây số để về sử dụng. Việc nổ mìn làm đá văng, đè lên các ống nước khiến nguồn nước này cũng bị đứt gãy liên tục, dẫn đến người dân không có nước sử dụng trong nhiều ngày. Mỗi lần thay thế mất hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư chi bộ xóm Tiểu Khu cho biết: "Cứ hôm nào nổ mìn là người dân khu vực này phải mòn mỏi chờ nước sinh hoạt. Sau nổ mìn phải mất 4 - 5 giờ để địa chất ổn định mới có thể tháo lắp đường ống dẫn. Bên cạnh đó, tuyến đường từ xóm Tiểu Khu đi xóm Bích Trụ bị cô lập một thời gian dài, người dân muốn lưu thông phải đi đò hoặc phải để phương tiện hai điểm đầu và cuối đoạn đường thi công mới đi lại, lưu thông hàng hóa được. Chúng tôi mong muốn dự án thi công càng sớm càng tốt để trả lại cuộc sống yên bình cho nhân dân trên địa bàn”.
Người dân 2 xóm Tiểu Khu, Bích Trụ đã và đang phải hứng chịu những khó khăn khi dự án kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ triển khai. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân đã kiến nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp, chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, đến nay dự án kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ vẫn "ì ạch" chưa biết đến khi nào hoàn thành.
Dự án Kè xử lý sạt lở đường Bích - Trụ là một trong những hạng mục công trình được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2912/QĐ-UBND về Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư cho nhân dân các xã, phường vùng hồ sông Đà, thành phố Hòa Bình. UBND thành phố Hòa Bình được giao là chủ đầu tư, với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Dự án có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trong mùa mưa bão.
Theo các đơn vị chức năng, nguyên nhân được xác định do mái taluy cao, địa chất là đá mồ côi với độ cứng cao, nhiều hình dạng, kích thước bất định hình, cộng với yếu tố xen kẹp đất giữa các thớ đá, tảng đá trong quá trình thi công dễ bị bong bật ra khối taluy cần phải loại bỏ để đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công, người dân lưu thông trên tuyến. Quá trình thi công cũng gặp khó khăn do địa hình hiểm trở, đường nhỏ ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông.
Trao đổi với ông Nguyễn Tuân, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình cho biết, quá trình thi công phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, do đó tiến độ công trình triển khai bị chậm. Thời gian tới, phòng sẽ quyết liệt đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, vai trò của dự án. Phấn đấu trong năm 2025, dự án sẽ hoàn thiện các hạng mục và đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.