12:16 14/12/2010

Dự án đường Hồ Chí Minh:"án binh bất động"

Tháng 9/2009, lễ khởi công Dự án Đường Hồ Chí Minh (HCM) đoạn Nam TP Buôn Ma Thuột được tổ chức hoành tráng, các nhà thầu cam kết đến tháng 4/2011 sẽ hoàn thành.

Tháng 9/2009, lễ khởi công Dự án Đường Hồ Chí Minh (HCM) đoạn Nam TP Buôn Ma Thuột được tổ chức hoành tráng, các nhà thầu cam kết đến tháng 4/2011 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dù thời gian thi công sắp hết nhưng công tác thi công vẫn gần như “án binh bất động” vì vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Đủng đỉnh” giải phóng mặt bằng

Dự án Đường HCM đoạn Nam TP Buôn Ma Thuột do Ban QLDA Đường HCM (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 13,5 km được chia làm 4 gói thầu, gồm 3 gói xây dựng nâng cấp đường và một gói xây dựng cầu Ea Tam. Tổng vốn theo phê duyệt ban đầu là 437 tỷ đồng, trong đó kinh phí đền bù GPMB là hơn 100 tỷ đồng, còn lại dành cho xây dựng. Đây là đoạn đường được đánh giá là có mật độ giao thông cao nhất trên toàn tuyến đường HCM.

Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hàng hóa của các tỉnh trong khu vực lưu thông với đồng bằng.

Thiết bị, vật liệu của các đơn vị thi công tập kết hơn 1 năm bị cỏ mọc, tiếp tục nằm chờ giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân của việc các nhà thầu chậm thi công là do công tác giải phóng bàn giao mặt bằng (do Ban đền bù GPMB TP Buôn Ma Thuột đảm nhận) thực hiện quá chậm chạp. Cho đến nay, chưa một gói thầu nào của dự án được bàn giao đầy đủ mặt bằng để thi công. Giải thích nguyên nhân chậm trễ này, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Ban đền bù GPMB TP Buôn Ma Thuột cho hay: “Do công trình nằm trong khu đô thị, dân cư sống tập trung nên công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nổi cộm là việc xác minh nguồn gốc đất, tài sản để đền bù… dù đã phối hợp với các xã, phường trong vùng dự án để thực hiện nhưng các địa phương này làm quá chậm, mất rất nhiều thời gian”.

Tuy nhiên, tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Tân – Chủ tịch UBND phường Ea Tam lại cho biết: Phường không hề chậm trễ, mà ngược lại, khi Ban đền bù GPMB TP xuống yêu cầu thực hiện thì phường đã nhanh chóng thực hiện đúng yêu cầu cả về thời gian cũng như nội dung công việc (?).

Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Văn Chung đề cập, đó là trong khi công tác GPMB đang dẫm chân tại chỗ thì tháng 9/2010 lại phát sinh thêm dự án ngầm hóa đường điện trên tuyến đường này với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, dự án đang được thi công với “tiến độ rùa” nên không thể biết được là khi nào thì mới xong.

Ông Phạm Tân lo lắng: Với mức giá đền bù như hiện nay thì khó tránh khỏi việc khiếu kiện kéo dài của người dân.

Nhà thầu và người dân lãnh đủ

Công ty Xây dựng 470 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) là đơn vị trúng thầu gói thầu số 1, với phần đường thi công dài 3 km từ km 720+805 đến km 723+00, kinh phí đầu tư gần 45,5 tỷ đồng. Để thực hiện cam kết hoàn thành công trình vào tháng 4/2010, nhà thầu này đã tập kết gần 20.000 m3 đá các loại, cùng một khối lượng lớn các vật liệu khác như: ống cống, giải phân cách, bó vỉa… và các loại thiết bị thi công chuyên dụng đến hiện trường.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tập kết vật liệu, thiết bị thì đơn vị này mới chỉ được bàn giao 600 m mặt bằng nhưng cũng chỉ được một bên, còn bên kia không được bàn giao. Vì vậy, đơn vị chỉ thi công được 600m cống thoát nước cho một bên đường rồi tiếp tục nằm chờ mặt bằng.

Việc không có mặt bằng thi công khiến các nhà thầu phải chịu thiệt đơn thiệt kép, như: Khấu hao thiết bị, thất thoát vật liệu thi công, tiền thuê bãi tập kết vật liệu, thiết bị, thuê nhân công bảo vệ tài sản… Chậm trễ về thời gian thi công khiến đơn giá xây dựng tăng vọt, mặc dù có thể được điều chỉnh nhưng chắc chắn không thể bắt kịp với giá thị trường. Đã vậy, các đơn vị thi công còn bị chủ đầu tư “đe” rút vốn vì công trình chậm tiến độ.

Mặt khác, sau lễ khởi công đoạn đường này không được bố trí kinh phí để duy tu bảo dưỡng nữa, trong khi đó, đây lại là đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Về mùa mưa, với vô số “ổ gà”, “ổ voi”, cả đoạn đường trở thành cái “bẫy” khổng lồ cho người tham gia giao thông. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do mặt đường quá xấu, trong khi lưu lượng tham gia giao thông ở đây lại quá đông.

Việt Dũng - TTXVN