09:12 10/09/2019

Dự án bến xe huyện Krông Nô, Đắk Nông: Công an điều tra, xác minh sai phạm

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông, cơ quan này đang tiến hành điều tra, xác minh các sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án Bến xe khách huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (như TTXVN đã thông tin ngày 3/9) với những vấn đề liên quan đến hình thức đầu tư, xây dựng; lập, thẩm định các chủ trương, quyết định đầu tư và sử dụng số tiền gần 2,5 tỷ đồng để thi công một số hạng mục trong dự án.

Chú thích ảnh
Nhà điều hành của Bến xe khách huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Theo hồ sơ vụ việc, chỉ 6 ngày sau khi ra thông báo kêu gọi hợp tác đầu tư xây dựng Bến xe mới huyện Krông Nô bằng hình thức doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm, ngành chức năng huyện Krông Nô đã chốt danh sách và đề xuất giao dự án cho Công ty TNHH Nam Trường.

Công ty TNHH Nam Trường được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án, nhưng UBND huyện Krông Nô không yêu cầu Công ty hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hơn 2 tháng sau (tức ngày 24/4/2015), Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Lê Văn Chiến ra quyết định đồng ý cho doanh nghiệp này triển khai dự án (Công văn số 564/UBND-VP).

Đáng chú ý, công văn này ghi rõ “Đồng ý chủ trương cho triển khai thi công trước công trình Bến xe khách huyện Krông Nô trong thời gian chờ phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình”.

Ngày 3/7/2015, ông Lê Văn Chiến lại ký quyết định (số 2665/QĐ-UBND) về việc phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật công trình Bến xe khách huyện Krông Nô. Theo đó, tổng mức đầu tư công trình là hơn 5,7 tỷ đồng; trong đó, phần vốn đóng góp ngân sách nhà nước là 2 tỷ đồng, tương đương với 35%, phần còn lại hơn 3,7 tỷ đồng, tương đương với 65% do doanh nghiệp đóng góp (tỷ lệ này sau đó được điều chỉnh là Nhà nước góp vốn 45%, doanh nghiệp góp 55% theo Quyết định số 3376/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 của UBND huyện Krông Nô).

Quyết định 2665 của UBND huyện Krông Nô cũng xác định rõ hình thức lựa chọn nhà thầu công trình xây dựng Bến xe huyện là “đấu thầu rộng rãi trong cả nước”, trong khi trước đó gần 3 tháng tại công văn số 564, UBND huyện Krông Nô đã đồng ý chủ trương cho thi công trước công trình này.

Theo danh mục hợp tác đầu tư dự án Bến xe huyện Krông Nô đã được hai bên thống nhất và được lãnh đạo UBND huyện Krông Nô ký xác nhận với tư cách là cấp có thẩm quyền phê duyệt, các hạng mục được đầu tư từ ngân sách nhà nước bao gồm: san ủi mặt bằng; cổng tường rào để giữ đất; sân bê tông để đón trả khách, bãi đỗ xe chờ đón khách và bãi đỗ xe cho phương tiện khác.

Chú thích ảnh
Bến xe mới huyện Krông Nô được xây dựng tại trung tâm thị trấn Đắk Mâm được đưa vào khai thác từ năm 2016. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm: phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc, văn phòng, phòng bán vé, nhà vệ sinh, đường ra vào bến và hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước. Như vậy, nguồn vốn để thi công Bến xe trong thời gian chờ phê duyệt các báo cáo, dự toán liên quan là từ Ngân sách Nhà nước, không phải từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Theo một đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô cho thi công trước công trình này khi chưa có đầy đủ các hồ sơ liên quan là không đúng quy định. Bởi theo các quy định hiện hành, cấp có thẩm quyền chỉ được phép cho thi công trước đối với các công trình liên quan đến quốc phòng - an ninh, thiên tai cần sớm khắc phục, dịch bệnh ảnh hưởng tới cộng đồng, gián đoạn hệ thống giao thông huyết mạch… Do vậy, việc cho thi công trước công trình Bến xe khách huyện Krông Nô, sau đó lại cho đấu thầu rộng rãi trong cả nước là không đúng trình tự thực hiện dự án.

Hơn nữa, việc điều chỉnh diện tích xây dựng Bến xe khách từ 2.500 - 3.000 m2 (theo như kế hoạch ban đầu và góp ý của một số phòng ban chức năng huyện Krông Nô) lên hơn 7.000m2 cũng cần được xác minh, làm rõ. Theo tìm hiểu, tổng diện tích hơn 7.000m2 đã được quy hoạch cho 2 dự án là Bến xe khách và chợ đầu mối nông sản huyện, không phải chỉ Bến xe khách như hiện nay.

Việc góp vốn từ ngân sách nhà nước vào dự án này cũng được thực hiện không đúng quy trình. Cụ thể, việc lãnh đạo UBND huyện Krông Nô quyết định góp vốn (theo quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 3/7/2015) có dấu hiệu sai, vượt thẩm quyền.

Bởi đến ngày 8/7/2015, Hội đồng nhân dân huyện Krông Nô mới thông qua đề án xây dựng Bến xe khách huyện (Nghị quyết số 03/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân huyện Krông Nô về việc thông qua đề án xây dựng Bến xe khách huyện Krông Nô).

Theo một lãnh đạo ngành kế hoạch và đầu tư Đắk Nông, theo quy định việc giao đất sạch để nhà đầu tư triển khai dự án phải thông qua đấu thầu. Trong trường hợp này, nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Trường được ưu ái giao đất sạch, không phải đền bù, giải phóng mặt bằng và không qua đấu thầu.

Công ty TNHH Nam Trường sau đó lại được Cục Thuế tỉnh Đắk Nông miễn toàn bộ tiền thuê đất trong thời gian 27 năm 9 tháng với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng (quyết định số 349/QĐ-CT ngày 10/4/2018 của Cục Thuế tỉnh Đắk Nông về việc miễn thuế thuê đất cho Công ty TNHH Nam Trường).

UBND huyện Krông Nô cũng không yêu cầu Công ty TNHH Nam Trường hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi được miễn thuế là không đúng với các quy định.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện còn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Nam Trường (hợp đồng số 01/2015/HĐ-HTĐT ngày 4/9/2015) với nội dung huyện góp 45% vốn xây dựng, nhưng sau khi hoàn thành Bến xe thì Công ty TNHH Nam Trường được toàn quyền quản lý, kinh doanh, thu phí trong thời hạn 30 năm kể từ ngày đưa vào khai thác, kinh doanh.
 
Hợp đồng không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc phân chia lợi nhuận, hoàn vốn đối với phần vốn Nhà nước đã đóng góp. Như vậy có thể hiểu phần vốn góp 45% của Nhà nước là “cho không” doanh nghiệp và được xem như những ưu đãi bất thường, không đúng các quy định pháp luật liên quan.
 
Đề cập vấn đề này, ông Trần Thái Châu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô xác nhận phần góp vốn của Nhà nước cho dự án Bến xe khách huyện là gần 2,5 tỷ đồng.

Hiện nay, doanh nghiệp đang toàn quyền quản lý, vận hành Bến xe và UBND huyện không can thiệp bất cứ vấn đề gì theo hợp đồng ký kết. Đối với một số nghi vấn sai phạm nêu trên, ông từ chối trả lời với lý do phải xin ý kiến lãnh đạo huyện và sẽ thông tin lại.

Còn ông Phạm Hưng Bá, Giám đốc Công ty TNHH Nam Trường cho rằng, Bến xe mới của huyện có diện tích lớn, nhưng hoạt động không hiệu quả do đầu xe quá ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và hàng năm đơn vị vẫn phải bù lỗ.

Hiện nay, công ty đang tiến hành các thủ tục để UBND huyện Krông Nô thoái phần vốn đã đóng góp nhằm mục đích được nâng thời gian khai thác dự án lên 50 năm, thay vì 30 năm cũng như được toàn quyền bảo trì, sửa chữa hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng…

Ngọc Minh - Hưng Thịnh (TTXVN)