03:11 25/03/2011

ĐT cầu mây nữ Việt Nam: Tương lai mờ mịt

Chưa bao giờ cầu mây nữ Việt Nam lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng lực lượng như hiện nay, khi lớp “thế hệ vàng” chia tay sự nghiệp. Hào quang quá khứ đã khiến những người “làm công tác cầu mây” quên đi nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo thế hệ kế thừa.

Chưa bao giờ cầu mây nữ Việt Nam lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng lực lượng như hiện nay, khi lớp “thế hệ vàng” chia tay sự nghiệp. Hào quang quá khứ đã khiến những người “làm công tác cầu mây” quên đi nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo thế hệ kế thừa.

Cách đây 5 năm, ngay thời điểm ĐT cầu mây nữ Việt Nam tạo nên “cơn địa chấn” với 2 tấm HCV tại Asiad 15, những nhà chuyên môn đã khẳng định, chúng ta không thể bảo vệ 2 tấm HCV nếu như không có những nhân tố mới. Điều này đồng nghĩa với việc phải có một chiến lược phát triển có chiều sâu. Đáng tiếc, những lời cảnh báo đó đã bị bỏ ngoài tai, bởi trong khoảng thời gian sau đó, những Lưu Thị Thanh, Thu Ba, Hải Thảo, Bích Thùy vẫn “cày ải” đều đặn ở tất cả các giải lớn, bé.

Pha tấn công trên lưới của Lưu Thị Thanh (số 3- Việt Nam) trong trận chung kết tại ASIAD 16. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN.

                                                                                                                                                   Bệnh thành tích đã khiến cầu mây nữ Việt Nam không dám thử nghiệm các nhân tố trẻ. Nguy hiểm hơn, những người quản lý cầu mây nước nhà đã quên bẵng đi công tác quan trọng hàng đầu là tuyển chọn và đào tạo đội ngũ kế cận. Kết quả, cầu mây Việt Nam thất bại thảm hại tại Asiad 16, khi chỉ giành 1 HCB và 1 HCĐ. Điều đáng nói là không chỉ bị Thái Lan bỏ lại với khoảng cách ngày một xa, mà ngay đối thủ “chiếu dưới” Inđônêxia cũng lần đầu tiên vượt mặt Việt Nam. Không thể “lật đổ” người Thái đã đành, giờ đây, cầu mây VN còn dần để các đối thủ yếu khác đuổi kịp và vượt qua.

Sau thất bại thảm hại tại Asiad 16, hàng loạt trụ cột nói lời chia tay ĐT, để lại khoảng trống vô cùng lớn. Lứa trẻ mới được “đôn” lên một cách vội vã chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không có sự dẫn dắt của thế hệ đi trước. Có lẽ còn lâu nữa cầu mây nữ Việt Nam mới lại gây được tiếng vang trên đấu trường khu vực và quốc tế. Nhưng với những nhà quản lý cầu mây nước nhà, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh để họ chấm dứt chuỗi ngày ăn bám vào “vinh quang quá khứ” của những “cô gái vàng”. Cầu mây Việt Nam cần một sự thay đổi, tận gốc rễ.

Trong khi Việt Nam chỉ có một vài địa điểm tập luyện cầu mây thuần túy thì Thái Lan có hàng chục trường đào tạo cầu mây chuyên nghiệp. Sự khác biệt này chính là nguyên nhân chính khiến chúng ta dù có cố gắng đến mấy cũng khó có thể đuổi kịp được đối thủ. Nay thì khoảng cách về trình độ càng được nới rộng thêm ra khi cầu mây không còn được quan tâm và liệt vào những môn thể thao đi tắt đón đầu như trước nữa.

Gần như chắc chắn, cầu mây nữ sẽ không được đầu tư “dồi dào” như trước khi mới đây môn này bị loại khỏi danh sách 10 môn đầu tư trọng điểm của ngành thể thao. Đầu tiên, HLV Chucheep của Thái Lan được trả về nước vì không đủ kinh phí. Trong khi đó, những kế hoạch tập huấn và thi đấu quốc tế vẫn chưa có gì cụ thể. Thậm chí, trong khi các môn khác đều đã tập trung thì cầu mây vẫn đang rối tung chuyện tuyển quân. Trưởng bộ môn cầu mây Nguyễn Xuân Hạnh cho biết: “Khả năng ĐT cầu mây nữ sẽ phải chấp nhận thành tích kém ở một vài kỳ SEA Games nữa để làm lại từ đầu.

Điều mà ông Hạnh lo ngại nhất chính là vấn đề kinh phí. Nếu không được đi tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm cọ xát, thì các VĐV trẻ sẽ chẳng thể tiến bộ được. Từ Tết Nguyên đán đến nay, vẫn chỉ có ĐT cầu mây nữ Hà Nội duy trì tập luyện tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Một không khí ảm đạm đang bao trùm thầy trò ĐT cầu mây nữ khi họ vẫn chưa biết tương lai “đi đâu về đâu”.

Ah Chi