01:07 13/01/2014

Đột phá về cải cách thể chế và hành chính

Trò chuyện trong một buổi chiều cuối năm với phóng viên báo Tin Tức, lần đầu tiên trên cương vị của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS Vương Đình Huệ đã có những phân tích sâu sắc về kết quả điều hành của Chính phủ năm 2013 cũng như nửa nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.

Trò chuyện trong một buổi chiều cuối năm với phóng viên báo Tin Tức, lần đầu tiên trên cương vị của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS Vương Đình Huệ đã có những phân tích sâu sắc về kết quả điều hành của Chính phủ năm 2013 cũng như nửa nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII. Nói về năm 2014, theo ông Huệ, trong ba đột phá chiến lược hiện nay, cần coi đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm vì vấn đề này không tốn nhiều nguồn vốn vật chất, chủ yếu là “vốn con người”.


Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam những năm gần đây cũng như năm 2013?


Trong ba năm vừa qua, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra thì có một số chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, nhưng nếu so với mục tiêu đã được điều chỉnh thì chúng ta đã đạt được những thành tích rất căn bản, rất tích cực, quan trọng và đúng hướng, có thể nhìn nhận ở ba điểm then chốt:



Thứ nhất, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Từ năm 2011, lạm phát lên đến 18,13%, sau đó dần dần đi xuống, năm sau thấp hơn năm trước. Đến thời điểm này, lạm phát chỉ còn hơn 6%, mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Đương nhiên, cũng có một số người cho rằng, lạm phát giảm là do tổng cầu yếu, nhưng nếu không có một chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đúng hướng thì Việt Nam không thể đạt được thành tích này, nhất là trong điều kiện chúng ta chịu nhiều tác động rất mạnh của các vấn đề lạm phát từ nhiều hướng, kể cả vấn đề chi phí đẩy, cầu kéo, lạm phát kỳ vọng...


Thứ hai, chúng ta đã triển khai khá toàn diện và đồng bộ các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế và đạt được những kết quả bước đầu. Trong tái cơ cấu nền kinh tế, Hội nghị Trung ương ba khóa XI vừa xác định một cách tổng thể, vừa xác định những khâu trọng tâm, đột phá. Rõ ràng, chúng ta đã tuân thủ được nguyên tắc này. Một mặt, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mặt khác cũng phê duyệt các đề án tái cấu trúc cụ thể, liên quan đến ba trọng tâm: đầu tư công; hệ thống ngân hàng; tập đoàn, doanh nghiệp mà trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Sự ra đời của Ban chỉ đạo đã đáp ứng được yêu cầu phối hợp và thúc đẩy vấn đề tái cơ cấu trong lĩnh vực này.


Thứ ba, trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn, chúng ta vẫn hết sức tập trung cho vấn đề an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cho an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội... Mỗi năm, ngân sách dành cho an sinh xã hội tăng khoảng 20 - 26%, năm nay tăng ít nhất cũng khoảng 21 - 22%. Đây là một thành tích không thể phủ nhận và có thể xem là thành tựu quan trọng vì chúng ta đã thực hiện tốt ngay khi điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn ngặt nghèo.

 

Năm 2013, chúng ta đã qua nửa nhiệm kỳ, tuy nhiên GDP bình quân ba năm qua thấp so với mục tiêu đề ra, ông nghĩ gì về điều này?


Đến giờ, đã trải qua ba năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Nhìn lại về thời điểm hơn ba năm trước, khi chúng ta xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm để chuẩn bị cho Đại hội XI, lúc đó, đã xác định nhiều vấn đề, trong đó, có đặt ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 7,0 - 7,5%, sau đó, chỉ tiêu này có được điều chỉnh xuống còn 6,5 - 7%.


Khi chúng ta xây dựng kế hoạch này thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra, chứ chúng ta không bị bất ngờ hay thiếu chủ động trong ứng phó với khủng hoảng. Nhưng phải nói rằng, phạm vi, tác động của khủng hoảng tài chính, khởi đầu từ năm 2008 đã gây ra hậu quả nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn mức mà chúng ta có thể dự báo. Và không chỉ Việt Nam bị tình trạng dự báo chưa sát so với thực tế diễn ra như vậy.

 

Năm 2013, cũng là một năm xuất hiện không ít ý kiến từ một số chuyên gia về tiến độ chậm trễ tái cơ cấu nền kinh tế. Còn theo đánh giá của ông?


Tôi cho rằng, Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng thể chế cho quá trình tái cơ cấu. Theo đánh giá của tôi, thì có thể coi đây là một trong ba thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.


Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phê duyệt các đề án liên quan đến tái cấu trúc. Đối với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT - TTg. Đối với cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đã ban hành các chính sách đảm bảo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách... Trong năm 2013, chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai đề án này một cách khẩn trương.

 

Là người đứng đầu Ban Kinh tế của Trung ương Đảng, xin ông cho biết những quyết sách cần ưu tiên để nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế trong năm 2014 cũng như trong dài hạn?


2014 là năm chúng ta tiếp tục triển khai ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng. Tổng mức đầu tư cho toàn xã hội sẽ không thấp hơn 2013 nếu tính cả nới bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội. Điểm mới là trong số trái phiếu Chính phủ tăng thêm lần này, đã xác định rõ trọng điểm sử dụng, có “địa chỉ” rõ ràng, đó là tập trung cho việc nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 14, các công trình thủy lợi và bệnh viện, và dành phần thích đáng làm vốn đối ứng cho nguồn vốn ODA... “Vốn đầu tư mồi” của Nhà nước sẽ kích hoạt được đầu tư của khu vực ODA và của khu vực tư nhân cùng hợp sức.


Về dài hạn, trong ba đột phá chiến lược hiện nay, cần coi đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm vì vấn đề này không tốn nhiều nguồn vốn vật chất, chủ yếu là “vốn con người”. Tôi cho rằng ở đây không chỉ dừng ở khái niệm tháo gỡ mà đặt ra triết lý cao hơn, là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp qua việc hoàn thiện thể chế để khơi thông được các nguồn lực, giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển.


Cần tạo động lực cũng như “áp lực” trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, giao việc cụ thể, rõ ràng, xác định rõ người chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, thời gian hoàn thành, định tính, định lượng, tuyệt đối không chung chung, áng chừng... Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, sao cho nhanh, rõ ràng, minh bạch... Từ đó, chúng ta sẽ tạo được đồng thuận và niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới đây, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được gỡ vướng, áp dụng theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo minh bạch và hiệu quả, cần phải được đẩy nhanh hơn nữa.


Tình hình trong nước tiếp tục những động thái tích cực, kinh tế trên đà phục hồi và ổn định hơn, niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ được củng cố hơn. Những thành quả mà chúng ta đạt được trong ba năm qua, cho phép trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ này tiếp tục củng cố tính vững chắc của kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát và cho phép chúng ta nghĩ đến phục hồi sản xuất kinh doanh và nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu hợp lý.


Xin cảm ơn ông!


Nguyễn Bảo Phúc (thực hiện)