01:11 02/01/2019

Đột phá trong xây dựng nông thôn mới - Bài 3: Kinh nghiệm tháo gỡ tiêu chí 'thu nhập'

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đã về đích trước 2 năm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tỉnh về nội dung này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn, “vượt lên chính mình” để cùng đạt được mục tiêu cao nhất là đem đến cho người dân nông thôn sự hài lòng về mọi mặt và nhất là chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, về tổng quan Vĩnh Long đã đạt được những thành quả đáng khích lệ:

Về nhận thức, phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng nâng cao, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, điện, giao thông, thủy lợi, nước sạch phục vụ cho đời sống người dân được tốt hơn, tuy chưa đồng bộ trong toàn tỉnh nhưng người dân rất phấn khởi. Bộ mặt nông thôn đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt về cảnh quan, vệ sinh môi trường, nhà ở khang trang, người dân chủ động hơn khi tham gia các phong trào do chính quyền địa phương phát động.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo, ngành nghề ở nông thôn ngày càng đa dạng, công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50,5%, tăng 6 xã so với cuối năm 2017. Như vậy, so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2015-2020, mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đã về đích trước 2 năm.

Thưa ông, mấu chốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đây có thể nói là tiêu chí khó khăn nhất. Vậy Vĩnh Long đã có cách làm như thế nào để thực hiện tốt tiêu chí này?

Tiêu chí số 10 về Thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò nội lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương. Song đến nay, tiêu chí này lại đang là một khó khăn, thách thức đối với hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo lộ trình, năm 2018 phải đạt 41 triệu đồng/năm; năm 2019 phải đạt 45 triệu đồng/năm; năm 2020 đạt 50 triệu đồng/năm. Nếu xét xã đạt tiêu chí nông thôn mới thì phải đạt mức thu nhập theo quy định của từng năm.

Như vậy, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh việc thực hiện tiêu chí số 10 đã và đang gặp không ít khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 89 xã xây dựng nông thôn mới thì chỉ có 52 xã đạt tiêu chí về thu nhập (đạt 58,4%).

Chú thích ảnh
Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lê Công Tân, ở ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, Vĩnh Long có điều kiện mở rộng, chăm sóc hàng ngàn m2 vườn chôm chôm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thời gian qua.

Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh cao với phương thức sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Nhiều mô hình, tổ chức sản xuất mới chuyên cây, chuyên canh như: Cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao trồng rau, quả trong nhà lưới; các mô hình về chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch trong chăn nuôi, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi đã góp phần tạo ra hướng đi mới liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp từng bước định hình phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.

Cùng với phát triển mạnh chăn nuôi, thời gian qua, việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản được tỉnh quan tâm, đầu tư và chỉ đạo thực hiện. Thông qua các mô hình, nhiều giống mới được đưa vào sản xuất... từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, giúp người dân thay đổi tư duy từ thả cá sang nuôi cá bán thâm canh và thâm canh.

Song song với đầu tư phát triển sản xuất, tỉnh còn chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển các ngành nghề nông thôn như: Chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất thủ công mỹ nghệ; chế biến mây tre đan; rau an toàn…

Bên cạnh các giải pháp về phát triển sản xuất, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả giai đoạn 2008-2017 đã đào tạo nghề cho 83.940 người (theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), trong đó 83,8% lao động có việc làm phù hợp sau học nghề.

Công tác giải quyết việc làm được thực hiện thông qua các hoạt động như: Cho vay vốn, cung cấp thông tin về thị trường lao động, quan hệ với các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động).

Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tỉnh Vĩnh Long có kiến nghị, đề xuất gì về cơ chế, chính sách, thưa ông?

Việc đầu tư cho nông thôn mới của tỉnh, ngoài các nguồn lực huy động từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp thì nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng để khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài.

Trong những năm qua nguồn hỗ trợ của Trung ương cho tỉnh Vĩnh Long thực hiện Chương trình nông thôn mới đã có tác động tích cực cho đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tuy nhiên, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương phân bổ hàng năm cho tỉnh Vĩnh Long còn rất thấp so với nhu cầu của địa phương.

Do đó, đề nghị Trung ương bố trí ngân sách và có chính sách phù hợp trong xây dựng nông thôn mới để các xã thực hiện các tiêu chí hạ tầng (giao thông, thủy lợi…). Ban hành quy định về huy động vốn, lồng ghép, quản lý các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế cụ thể, đơn giản trong việc thực hiện các thủ tục xây dựng, giải ngân và quyết toán phần vốn nhà nước hỗ trợ đối với những công trình kỹ thuật đơn giản do cộng đồng dân cư tự thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Bài cuối: Phát triển bền vững ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

Bài và ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN (thực hiện)