05:14 17/05/2017

Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Ngày 17/5 tại Hà Nội, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều kiến nghị từ các hiệp hội, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất xây dựng những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy việc thực thi một cách có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã có một năm điều hành thành công nền kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, bất ổn về chính trị, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong khu vực với lợi thế về giá nhân công cạnh tranh, ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định lựa chọn Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực và kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với các dự án lớn, những hợp đồng hàng tỷ đô la Mỹ (USD), sản xuất những hàng hóa có giá trị cao. Cộng thêm những cam kết của một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, đã tạo được sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những điều này, ông Hải kiến nghị, Chính phủ cần lưu ý tới vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Đồng thời, xây dựng chiến lược trọng tâm về những ngành mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang rất cần sự đầu tư về công nghệ để có thể phát triển và cạnh tranh bền vững.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách giáo dục; trong đó, sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để nâng cao chất lượng giáo dục, áp dụng công nghệ để phổ biến giáo dục. Có như vậy mới mong nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tiến trình cải cách đất nước đang được đặt ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập quyết liệt vào nền kinh tế toàn cầu.

Đại diện các doanh nghiệp ngành xây dựng, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành lại bày tỏ mối quan tâm về vấn đề tài chính. Là liên doanh với một tập đoàn xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng của Nhật Bản, ông Kiểm kiến nghị để thực hiện các dự án đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, mà hiện nay Ngân hàng Nhà nước có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được nguồn vốn dành cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Trong khi khó khăn lớn nhất của các dự án đường cao tốc là thời gian thực hiện dài mà tỉ giá thì luôn thay đổi. Do đó, doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ có thể bảo lãnh tỷ giá để thực hiện được dự án và để thu hồi nguồn vốn. Nếu biến động tỷ giá lớn hơn so với hiện tại thì cho phép doanh nghiệp tăng thời gian thu phí để hỗ trợ.

Hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y và thực phẩm sinh học, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ kiến nghị Chính phủ để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân.

Ông Sơn cho rằng Chính phủ cần xem xét chính sách nào đó để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này.

Đồng thời, có thể tính tới giải pháp huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Bên cạnh đó, nên xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y... nhằm mục đích giảm thiểu nhập khẩu.

Ngoài ra, sớm có chính sách quy hoạch chăn nuôi cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào-đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả... của Việt Nam tránh tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Đi đôi với đó là tăng cường kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Hiệp hội các Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Là người nổi tiếng có những ý kiến và quan điểm “mạnh mẽ”, ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty cổ phần Hợp Lực kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam thẳng thắn bày tỏ muốn tăng cường được hiệu quả từ Nghị quyết 35, điều tiên quyết là cần kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; trong đó, trước mắt là công tác tổ chức cán bộ.

Thêm nữa, cần sửa đổi và có chính sách khuyến khích nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế để chia sẻ sự quá tải cho các bệnh viện Nhà nước. Với tinh thần khi Nhà nước khó khăn, cái gì doanh nghiệp tư nhân đầu tư được thì Nhà nước thôi không đầu tư.

Trong ngành xây dựng và đầu tư bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn, Chính phủ xem xét các giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường bất động sản như: giải pháp hạch toán bù trừ trong kinh doanh bất động sản ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; sửa đổi luật đầu tư kinh doanh.

Ông Lê Hoàng Quân đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp khẩn cấp hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, sửa Luật Kinh doanh bất động sản để tránh cò đất núp bóng doanh nghiệp kinh doanh hay tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất. Mặt khác, sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai doanh nghiệp cổ phần hóa, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà...

Thúy Hiền – Ngọc Quỳnh (TTXVN)