12:08 05/12/2014

Đợt ô nhiễm không khí tồi tệ ở nước Anh năm 1952

Lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có sự kiện ô nhiễm không khí ở London (Anh), diễn ra từ ngày 5 đến 9/12/1952.

Lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có sự kiện ô nhiễm không khí ở London (Anh), diễn ra từ ngày 5 đến 9/12/1952.

Không chỉ là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu thế giới, là vùng đất du lịch nổi tiếng với rất nhiều công trình kiến trúc cổ, London còn là một thành phố được biết đến với tên gọi “Thành phố sương mù”.

Không những bị bao phủ mù mịt bởi yếu tố thời tiết mà London còn mù mịt bởi lượng khí do nhà máy thải ra.


Đây là một trong số các vùng khô nhất của nước Anh, với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ 750mm. Vào mùa hè, London luôn ấm hơn các khu vực khác nhưng vào mùa đông, thành phố này lại rất lạnh giá khi thường xuyên bị che phủ trong những đám sương mù.

Những năm đầu thế kỷ XX, nơi đây vẫn thường xuyên phải đón nhận những đợt khói mù lớn. Với sự phát triển công nghiệp, London đã nhanh chóng trở thành một “công xưởng” của thế giới. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã liên tiếp mọc lên.

Sự phát triển của công nghiệp khai khoáng đã khiến nhiều nhà máy sử dụng than đá phục vụ sản xuất. Không chịu bất cứ sự ràng buộc nào, khí thải từ việc đốt than được thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài. Đây là một trong những tác nhân chính gây nên những đợt “sương mù” dày đặc ở London giai đoạn này.

Ô nhiễm không khí là kết quả của sự thải ra không khí các chất thải khí độc hại ở nhiều thể khác nhau như thể hơi, thể bụi hoặc thể khí. Chúng không chỉ làm biến đổi môi trường khí hậu mà còn để lại những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.



Ngày 5/12/1952, sau một thời gian thời tiết lạnh giá và thiếu gió, cộng với không khí ô nhiễm thải ra từ các nhà máy điện, nhà máy sản xuất công nghiệp, thành phố London dần chìm vào một lớp “sương mù” dày đặc chưa từng có.

Chỉ vài giờ sau đó, lớp “sương mù” này đã nhanh chóng lan tỏa, len lỏi đến từng góc phố, vào từng ngôi nhà. Không chỉ làm xáo trộn sinh hoạt của người dân, chúng còn gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thành phố.

Giao thông công cộng bị đình trệ, nhiều buổi hòa nhạc và trình chiếu phải hủy bỏ, một số sự kiện thể thao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Ở khu vực ngoại ô London, tầm nhìn bị hạn chế tới mức tối đa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đố với người dân. Để đi ra ngoài đường, họ buộc phải sử dụng khẩu trang hoặc mang theo đèn huỳnh quang.

Hiện tượng “sương mù” dày đặc chỉ thực sự chấm dứt vào ngày 9/12, sau khi bị phân tán do thay đổi thời tiết.

Theo thống kê của Trung tâm khí tượng Hoàng gia Anh, chỉ trong 5 ngày sương mù, trung bình các nhà máy, xí nghiệp ở khu vực London đã thải ra không khí khoảng 1.000 tấn hạt khói đen, 2.000 tấn carbon dioxide, 140 tấn axit hydrochloric, 14 tấn các hợp chất flo và 370 tấn sulfur dioxide mỗi ngày.

Được coi là đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh, lớp “sương mù” dày đặc kéo dài trong 5 ngày đã làm khoảng 4.000 người tử vong, hầu hết trong số đó là trẻ em và người già, hoặc những người có vấn đề về hô hấp.

Giao thông London gặp khó khăn do ô nhiễm vào tháng 12/1952.


25.000 người khác bị lớp “sương mù” gây ảnh hưởng nghiêm trọng khi gặp phải một số vấn đề về hô hấp như nhiễm trùng phổi, viêm phế quản cấp hoặc mãn tính...

Ngay lập tức, Chính phủ Anh đã phải lên tiếng kêu gọi các nghiệp đoàn và người lao động cùng tham gia bảo vệ môi trường. Cuối tháng 1/1953, Thị trưởng London đã ban hành quy định về bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất phải hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu bẩn và cấm thải khói đen.

Chính phủ Anh cũng nhanh chóng ban hành một pháp lệnh về làm sạch không khí, khuyến khích các hộ gia đình chuyển dần từ sử dụng than sang các loại chất đốt khác như gas, điện, dầu… Những hành động mạnh mẽ này đã góp phần giảm dần sương mù ở London trong những năm sau đó.

London trong những ngày ô nhiễm tháng 12/1952.


Cho đến nay, mặc dù đã 62 năm trôi qua nhưng ô nhiễm không khí gây sương mù vẫn là một vấn đề nóng, không chỉ của riêng nước Anh mà còn của nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.

Theo một công bố mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2012 đã có 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà, còn ô nhiễm ngoài trời đã cướp đi hơn 2,6 triệu sinh mạng, tập trung tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

WHO cũng xác nhận không khí ô nhiễm đang trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất, đe dọa sức khỏe toàn cầu khi đưa ra thống kê, cứ 8 ca tử vong thì có một ca có liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Những thống kê này báo hiệu sự cấp thiết phải có ngay những hành động phối hợp để làm trong sạch môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí.



TTTL/TTXVN