05:20 04/05/2021

Đột nhập đường dây buôn người qua biên giới Mỹ - Mexico

Các cartel khác nhau kiểm soát những phần lớn của biên giới Mỹ-Mexico, thường được gọi là “plaza”. Các nhóm này cũng kiểm soát tất cả những gì vượt trái phép qua biên giới trong khu vực của chúng, dù đó là ma túy hay con người.

Chú thích ảnh
 Một tên buôn lậu dẫn hai người di cư, cầm theo thang, chạy tới bức tường ở biên giới Mỹ - Mexico tại Ciudad Juárez.

Một chiếc sedan màu xanh trông giống như bất cứ chiếc xe nào khác chạy dọc đường cao tốc Mexico cho đến khi mặt trời giữa buổi sáng làm lộ ra những mảnh kim loại dài và mỏng dính vào bên trái của chiếc xe. Đó là một cột thép cây dài khoảng 6 mét, được buộc bấp bênh ở một bên gương.

Nếu như ở hầu hết các vùng khác của Mexico, thì đấy có thể chỉ là một số công nhân xây dựng không tìm được chiếc xe tải phù hợp cho công việc. Nhưng chiếc xe này lại đang chạy dọc theo bức tường biên giới ở Ciudad Juárez - thành phố nằm ngay sát phía nam biên giới Mỹ - Mexico, bên kia là  El Paso (thuộc Texas, Mỹ) - thành phố nổi tiếng với hoạt động buôn lậu người.

Hai kẻ buôn người, tiếng địa phương gọi là pollero, ngồi trên xe cùng với hai người di cư ở băng ghế sau, đang nóng lòng muốn xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Mỹ. Và chúng ta sẽ sớm thấy, nhóm sẽ sử dụng cây thép đó như một cái thang để nâng hai người di cư kia qua bức tường, vào Mỹ.

Theo CNN, hàng chục ngàn người di cư đang đổ tới biên giới Mỹ mỗi tuần, với con số kỷ lục trẻ vị thành niên không có người đi kèm. 

Sự gia tăng số người di cư một lần nữa áp đảo hệ thống nhập cư của Mỹ, vốn đã đối mặt với kiểu khủng hoảng như vậy trong nhiều năm trước nhưng chưa giải quyết được những vấn đề nan giải, như quá tải toà án tị nạn, thiếu cơ sở vật chất dành cho trẻ nhỏ.

Chú thích ảnh
Một người di cư từ Ecuador đang trèo lên bức tường biên giới, trong khi một tên buôn lậu giữ thang bên dưới. Ảnh: CNN

"Kinh doanh người di cư"

Những kẻ buôn lậu nói trên là anh em, điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình là đưa người vào Mỹ, với sự trợ giúp của đứa con trai 14 tuổi.

Những chiếc thang đặt ở sân sau nhà họ thực sự là những thứ duy nhất được thừa hưởng từ công việc kinh doanh gia đình. “Nó siêu nhẹ”, cậu bé vừa nói vừa nhấc chiếc thang. Cậu giúp bố và chú buôn lậu từ 10-35 người di cư mỗi tuần. 

"Hàng ngày có hàng chục người qua lại khu này, rất nhiều", một thành viên gia đình buôn người nói. "Từ trên đỉnh bức tường trong sân sau của tôi, bạn có thể thấy mọi người đang chạy, rất nhiều người đang nhảy qua tường."

Có rất ít dữ liệu để định lượng chính xác số lượng người di cư sử dụng dịch vụ buôn người để thực hiện cuộc hành trình vào Mỹ. Nhưng hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng nhiều người đã phải nhờ đến một kẻ buôn lậu trong ít nhất một phần hành trình của họ, theo những cách có thể khác nhau, từ từng phần đến dịch vụ "trọn gói" đưa người di cư từ đầu đến cuối.

Một báo cáo năm 2018 của Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về Ma túy và Tội phạm ước tính rằng, hằng năm hơn 800.000 người di cư từ khắp nơi trên thế giới đã bị buôn lậu vào Mexico và từ đó được nhập lậu hoặc cố gắng đưa lậu vào Mỹ.

Chú thích ảnh
 Một phụ nữ và ba con nhỏ chạy về phía bức tường biên giới ở Ciudad Juárez, Mexico. Vài phút sau họ bị Tuần biên Mỹ bắt giữ. Ảnh: CNN

Chỉ một phần nhỏ người di cư thoát khỏi bị bắt trước khi tới được điểm đến cuối cùng là Mỹ, bất chấp những chi phí khổng lồ phải trả cho chuyến đi.

Theo báo cáo, chi phí có thể dao động từ vài trăm USD đến hàng chục nghìn USD tùy thuộc vào một số yếu tố, phần lớn dựa trên tổng quãng đường của hành trình và bao nhiêu biên giới cần phải vượt qua. Số tiền này có thể khiến người di cư không còn một xu dính túi.

Báo cáo của LHQ ước tính rằng hoạt động tìm cách đưa người bất hợp pháp vào Mexico và Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD hàng năm – dựa trên dữ liệu từ năm 2014 và 2015.

Tội phạm có tổ chức 

Một phần lớn tiền chi cho hoạt động buôn lậu sẽ rơi vào tay các tổ chức tội phạm (cartel). Victor Manjarrez, cựu Giám đốc Bộ phận Tuần tra Biên giới ở El Paso, Texas (Mỹ), cho biết: “Buôn lậu người là một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD và tôi sẽ mạo hiểm đoán rằng nó đang tiến tới một ngành công nghiệp tỷ USD [chỉ riêng ở Mexico]”.

Manjarrez cho biết các nhóm tội phạm có tổ chức đã sử dụng tiền để tạo ra các mạng lưới buôn lậu tinh vi thậm chí xuyên quốc gia. Ông nói: “Nó gần giống như một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 giải quyết chuỗi cung ứng của họ. Đó là một hoạt động kinh doanh tàn nhẫn. Cartel coi người di cư như thể họ là hàng hóa chứ không phải con người, và họ chắc chắn bị bóc lột”.

Chú thích ảnh
Tường biên giới ngăn cách El Paso (bang Texas, Mỹ) và Ciudad Juárez (Mexico).

Các cartel khác nhau kiểm soát những phần lớn của biên giới, thường được gọi là “plaza”. Các nhóm này cũng kiểm soát tất cả những gì vượt qua biên giới bất hợp pháp trong khu vực của chúng, dù đó là ma túy hay con người.

Hành trình về phía bắc

Hàng chục nghìn người di cư đã rời bỏ quê hương của họ ở Trung Mỹ trong năm nay vì vô số lý do. Nghèo đói và tham nhũng tiếp tục hoành hành ở các nước như Honduras, tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng ở những nơi như Guatemala, và bạo lực băng đảng tiếp tục lan tràn khắp El Salvador. Hai cơn bão cấp 4 đã tấn công khu vực vào cuối năm ngoái, phá hủy toàn bộ cộng đồng trong khi đại dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá các nền kinh tế ốm yếu trong khu vực.

Hành trình của những người di cư thực sự quá nhọc nhằn. Những vụ hãm hiếp, lạm dụng, cướp bóc, tống tiền xảy ra phổ biến.

Một báo cáo của Human Rights First được công bố vào tháng trước cho biết, ít nhất 492 vụ tấn công và bắt cóc đã xảy ra với những người xin tị nạn bị từ chối hoặc mắc kẹt ở Mexico kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)