12:23 13/12/2012

Đột kích Cabanatuan - Kỳ 1: Nơi giam cầm tù nhân chờ chết

Cabanatuan từng là nhà tù lớn của phát xít Nhật ở Philíppin để giam giữ các tù binh chiến tranh của quân đồng minh và dân thường. Những tù nhân ở đây phải đối mặt với điều kiện sống khổ cực như bệnh tật, bị tra tấn dã man và thiếu thốn lương thực.

Cabanatuan từng là nhà tù lớn của phát xít Nhật ở Philíppin để giam giữ các tù binh chiến tranh của quân đồng minh và dân thường. Những tù nhân ở đây phải đối mặt với điều kiện sống khổ cực như bệnh tật, bị tra tấn dã man và thiếu thốn lương thực. Do đó, hầu hết tù binh ở đây đều nghĩ rằng, họ sẽ chết trước khi được giải cứu…


 

Toàn cảnh nhà tù Cabanatuan.

 

Sau khi phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề trong trận Trân Châu Cảng diễn ra ngày 7/12/1941, Mỹ tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít cùng các nước đồng minh. Các lực lượng của Mỹ đặt dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur được triển khai ở Philíppin như một lời răn đe chống lại sự ngạo mạn của phát xít Nhật.


Tuy nhiên, quân của tướng MacArthur cũng phải hứng chịu những đòn tấn công ác liệt của Nhật. Nhận được lệnh triệu tập của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, ngày 12/3/1942, tướng MacArthur và một số sĩ quan khác trở về nước với lời hứa sẽ quay lại cùng với lực lượng tăng cường. 72.000 lính Mỹ và Philíppin với những vũ khí lạc hậu, thiếu thốn lương thực và bị bệnh tật hoành hành cuối cùng phải đầu hàng quân Nhật vào ngày 9/4/1942.


 

Cuộc sống của tù nhân ở Cabanatuan.

 

Phát xít Nhật ban đầu có kế hoạch chỉ giam giữ khoảng 10.000 - 25.000 tù binh Mỹ và Philípin. Chúng đã chuẩn bị hai bệnh viện, lương thực và lính canh cho số lượng tù nhân ước tính này, nhưng trên thực tế, số tù binh lên đến trên 72.000 người. Sau khi kết thúc quãng đường hành quân dài 97 km, chỉ 52.000 tù nhân (gần 9.200 người Mỹ và 42.800 người Philíppin) đến được nhà tù O'Donnell. Như vậy, có đến gần 20.000 tù nhân đã bị chết vì bệnh tật, đói, tra tấn hoặc sát hại. Chỉ một số ít được chuyển đến nhà tù Cabanatuan để giam giữ cùng với các tù binh của trận đánh Corregidor.


Nhà tù Cabanatuan được đặt theo tên của một thành phố gần đó với 50.000 dân. Trước khi trở thành nhà tù của quân Nhật, nơi đây là kho lương thực của Mỹ và sau đó là trại huấn luyện của quân đội Philíppin. Khi phát xít Nhật xâm lược Philíppin, chúng sử dụng nơi đây để giam giữ các tù binh chiến tranh người Mỹ. Đây là một trong ba trại giam ở khu vực Cabanatuan và được thiết kế để giam cầm những tù nhân ốm yếu nhất.


 

Tù nhân Mỹ cho bạn tù uống nước tại nhà tù Cabanatuan.

Nhà tù được xây dựng trên tổng diện tích hơn 10 km2. Có một con đường dẫn thẳng đến trung tâm nhà tù. Một bên là nơi ở của lính gác, còn bên kia là dãy nhà tạm làm bằng tre nứa để giam giữ tù nhân và một bệnh viện. Với biệt danh “Khu số không”, bệnh viện này là nơi dành cho những tù nhân ốm yếu nhất nằm chờ chết do mắc phải những căn bệnh như tiêu chảy và sốt rét. Bao quanh trại giam là những hàng rào dây thép gai cao 2,4 m, cùng với vô số những công sự làm bằng bê tông và các tháp canh cao bốn tầng.


Lúc cao điểm, ngoài 8.000 tù binh Mỹ, nhà tù này còn giam cầm nhiều binh lính và dân thường thuộc các quốc tịch khác như Anh, Na Uy và Hà Lan, biến nơi đây trở thành nơi giam giữ tù binh chiến tranh lớn nhất ở Philíppin. Những người tù được ăn hai bữa cơm mỗi ngày với lượng cơm rất ít, chỉ thỉnh thoảng mới có thêm ít thịt hoặc rau. Để bổ sung thêm khẩu phần ăn cho mình, các tù nhân thường tìm cách mang trộm đồ ăn vào trại sau những lần được đi đến thành phố Cabanatuan bằng cách giấu trong quần áo lót. Những người tù còn kiếm thức ăn bằng nhiều cách khác như: ăn trộm, hối lộ lính canh, trồng trọt và săn chuột, rắn, vịt và chó hoang khi chúng chạy vào trong trại.


Để tránh không bị tịch thu thức ăn, sổ nhật ký và những đồ quý giá khác, họ thường cất giấu trong quần áo, nhà vệ sinh hoặc được chôn xuống đất trước mỗi lần quân Nhật kiểm tra định kỳ. Để giúp những tù nhân ở đây chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là bệnh sốt rét, người dân Philíppin kiếm hàng nghìn viên thuốc ký ninh rồi bí mật tuồn vào trong trại giam. Nhờ đó mà hàng trăm sinh mạng được cứu sống. Mỗi khi quân Nhật nhờ nhân viên kỹ thuật người Mỹ sửa chữa rađiô cho chúng, họ thường tận dụng cơ hội này ăn trộm phụ tùng. Tích góp những món đồ đó, cuối cùng những tù nhân cũng lắp được vài cái đài để nghe tin tức bên ngoài. Những người tù cũng giấu được một máy chụp ảnh dùng để ghi lại những điều kiện sống tồi tàn trong trại giam. Thậm chí, các tù nhân còn chế tạo súng và bí mật đưa đạn vào trong trại để lắp thành một khẩu súng ngắn hoàn chỉnh.


Trong lịch sử tồn tại của nhà tù này, đã có nhiều cuộc vượt ngục được tổ chức nhưng phần đa đều kết thúc trong thất bại. Một lần, bốn tù nhân vượt ngục bị quân Nhật bắt lại. Chúng bắt tất cả tù nhân chứng kiến cảnh bốn kẻ trốn trại bị đánh đập dã man và tự đào mộ huyệt cho mình. Sau đó, chúng xử tử cả bốn người rồi đẩy xác xuống những mộ huyệt mà họ vừa đào. Ít lâu sau, bọn lính gác dựng các tấm biển cảnh cáo, nếu xảy ra bất kỳ vụ trốn trại nào khác, mười tù nhân sẽ bị giết cho mỗi người vượt ngục. Những người tù được tách ra thành những nhóm mười người để buộc họ phải canh chừng lẫn nhau. Một tuần sau, sau khi hai tù binh Mỹ tiến hành đào tẩu không thành, bọn lính canh gom hai người này và 18 tù nhân khác, rồi bắt họ xếp thành một hàng ngang trước một tường rào. 20 người bị sát hại ngay trước mắt của những tù nhân khác.


Để tận dụng, bóc lột sức lao động của các tù binh, Tư lệnh tối cao Thiên hoàng ra lệnh tất cả những tù binh chiến tranh còn khỏe mạnh phải chuyển sang Nhật. Tháng 10/1944, trên 1.600 tù nhân được cho là khỏe mạnh bị đưa đi khỏi nhà tù Cabanatuan, để lại phía sau hơn 500 người ốm yếu hoặc tàn tật. Ngày 6/1/1945, tất cả lính gác rút đi, nhà tù Cabanatuan chỉ còn lại tù binh. Bọn lính gác cử ra một vài tù nhân làm chỉ huy và dọa họ rằng, tất cả bọn họ sẽ bị giết nếu tìm cách chạy trốn vì nếu cần thì quân Nhật sẽ có mặt chỉ trong tích tắc. Khi bọn lính gác rời đi, những tù nhân hết sức cảnh giác. Họ sợ bọn lính Nhật đang phục kích gần nhà tù và sẽ lợi dụng cái cớ họ trốn trại để thủ tiêu toàn bộ tù nhân. Thay vì nghĩ cách vượt ngục, những người tù sang khu nhà ở của lính gác và lấy toàn bộ lương thực và các đồ tiếp tế khác để dùng. Những người tù ở đó trong vài tuần mà không có lính canh, thỉnh thoảng chỉ có các đơn vị lính Nhật về đây tá túc vài ngày rồi đi. Giữa tháng 1, một nhóm đông lính Nhật vào nhà tù và đẩy các tù nhân về phía khu nhà ở của họ. Các tù nhân lo lắng thực sự khi có lời đồn đại rằng nơi đây sắp xảy ra một vụ tàn sát.

 

Khánh Chi (tổng hợp)


Đón đọc kỳ 2: Kế hoạch mở đường sống cho tù binh