08:16 29/08/2012

Dòng vốn đầu tư đang chảy ra khỏi Trung Quốc

Trong thời gian gần đây có một số dấu hiệu cho thấy các dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy ra khỏi Trung Quốc do những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và hiện tượng đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá so với USD.

Trong thời gian gần đây có một số dấu hiệu cho thấy các dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy ra khỏi Trung Quốc do những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và hiện tượng đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá so với USD.

Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư mất dần niềm tin vào các tài sản được định giá bằng đồng bản tệ của Trung Quốc và chuyển sang các tài sản khác được định giá bằng USD. Trong bối cảnh đó, nhà chức trách Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để chặn dòng vốn chảy ra.

Dòng vốn đang bị tháo rút

Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong tháng 7/2012, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ thu hút được 7,58 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Đây là tháng thứ tám trong vòng 9 tháng qua dòng vốn FDI vào nước này bị giảm. Tính chung 7 tháng, dòng vốn FDI vào Trung Quốc giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 66,7 tỷ USD.

Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc kinh, Trung Quốc. AFP/ TTXVN


Trong thời gian này, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào các dự án phi tài chính ở nước ngoài tăng gần 53% so với cùng kỳ năm trước tới 42,2 tỷ USD.

Mặt khác, theo ước tính của hãng tin Reuters, trong tháng 7/2012, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và các ngân hàng thương mại nước này đã bán ròng một lượng ngoại tệ tương đương 3,8 tỷ NDT, trong khi họ đã liên tục mua ròng trong các tháng trước đó (23,4 tỷ NDT trong tháng 5 và 49,1 tỷ NDT trong tháng 6).

Các số liệu trên cho thấy các dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy ra khỏi Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cán cân tài khoản vốn của nước này bị rơi vào trạng thái âm.

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối (SAFE) cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tài khoản vốn của nước này bị thâm hụt 20,3 tỷ USD. Riêng trong quý II/2012, con số thâm hụt là 71,4 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1998.

Nhà kinh tế Li Huiyong của Công ty Chứng khoán Shenyin & Wanguo ở Thượng Hải nói: “Dòng vốn chảy ra cho thấy sự quan ngại của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc”. Trong quý II/2012, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong vòng 3 năm qua và giảm mạnh so với con số 9,2% của năm 2011.

Hồi tháng 3/2012, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định hạ thấp mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay xuống còn 7,5%. Nhiều người lo ngại đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc có thể kéo dài trong quý tới trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Bên cạnh đó, việc đồng NDT đang suy yếu so với USD trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư do dự khi đầu tư vào Trung Quốc, bởi vì họ lo ngại lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ giảm mạnh khi đổi ra USD.

Trong quá khứ, Trung Quốc luôn phải đối mặt với các áp lực đòi tăng giá đồng NDT. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, đồng NDT đã tăng 4,7% giá trị so với đồng bạc xanh của Mỹ . Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, xu hướng này đã đảo chiều khi đồng NDT đã giảm gần 1% so với USD.

Nghiên cứu sinh Zhang Bin của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phân tích, trong giai đoạn 2003-2011, phần lớn các cá nhân và doanh nghiệp muốn chuyển đổi ngoại tệ mà họ đang nắm giữ sang các tài sản được định giá bằng đồng NDT với hy vọng đồng bản tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng giá.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi tỷ giá ngoại hối của đồng NDT bắt đầu biến động theo cả hai chiều, nhu cầu nắm giữ NDT đang yếu dần. Các công ty bắt đầu chuyển sang nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn.

Ngoài ra, việc Bắc Kinh siết chặt quản lý thị trường bất động sản và tình trạng chi phí nhân công liên tục tăng ở Trung Quốc cũng là những nguyên nhân khác làm đảo chiều dòng vốn vào nước này.

Ngăn dòng chảy ra

Trong nỗ lực hạn chế dòng vốn đầu tư chảy ra ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào triển vọng tăng trưởng của nước này. Vào đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng ông thấy có dư địa cho việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Chi phí nhân công liên tục tăng ở Trung Quốc cũng là nguyên nhân làm giảm vốn đầu tư. Ảnh: AFP-TTXVN


Điều này dẫn tới những đồn đại về khả năng PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và tạo ra cú hích mới cho tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế Qinwei Wang của Công ty Capital Economics Ltd. có trụ sở ở London, nói: “Trong các tuần gần đây, các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc) đã khẳng định rõ ràng rằng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là mối quan tâm chủ yếu của họ”. Ông Wang, người đã từng làm việc tại PBOC, dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm công bố các biện pháp chính sách mới, trong đó có việc cắt giảm thêm lãi suất dự trữ bắt buộc và bật đèn xanh cho các dự án hạ tầng mới do các chính quyền địa phương đề xuất”.

Cùng chung quan điểm với ông Wang, chuyên gia kinh tế trưởng Shen Jianguang của Công ty Chứng khoán Mizuho ở Hồng Công nói: “Chính phủ cần giảm gánh nặng thuế cho các công ty và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng”. Ông Jianguang cũng dự báo PBOC sẽ có ít nhất 2 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 20% hiện nay và một lần giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong năm nay.

Cùng với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nới lỏng một số hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép mua nhiều loại trái phiếu hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Zhang Ping, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Trung Quốc sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những ngành như sản xuất công nghệ cao, công nghệ và năng lượng mới.

Với những nỗ lực trên của Chính phủ Trung Quốc, nghiên cứu sinh Zhang Bin lạc quan cho rằng kịch bản “dòng vốn khổng lồ chảy ra (khỏi Trung Quốc) gần như không thể xảy ra nếu chưa xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị, làm hủy hoại niềm tin của tầng lớp trung lưu”.


Thanh Tùng