09:09 13/09/2018

Đồng USD yếu hỗ trợ giá vàng

Giá vàng thế giới đi lên trong phiên ngày 12/9 trong bối cảnh đồng USD suy yếu so với rổ tiền tệ chính do kỳ vọng ngày càng tăng rằng sự nhượng bộ của Canada sẽ giúp giải quyết những tranh chấp trong việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Chú thích ảnh
Đồng USD yếu hỗ trợ giá vàng. Ảnh: TTXVN

Cuối phiên này tại thị trường London, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.206,94 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/8 là 1.187,21 USD/ounce trong phiên 11/9. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 12/2018 cộng thêm 8,7 USD (0,7%) lên 1.210,90 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD đã giảm so với rổ tiền tệ chính trước thông tin rằng Canada sẵn sàng trao cho Mỹ quyền tiếp cận giới hạn đối với thị trường bơ sữa của Canada, như một sự nhượng bộ trong đàm phán sửa đổi NAFTA. 

Những tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trước đó đã thúc đẩy giới đầu tư mua vào đồng USD với niềm tin tưởng rằng Mỹ sẽ “thiệt hại ít hơn” trong cuộc tranh chấp này. Vàng đã để mất sức hấp dẫn trước đồng USD trong cuộc chiến cạnh tranh vị trí “tài sản an toàn”. Đồng USD mạnh thường khiến vàng, được giao dịch bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.

Chỉ số đồng USD đã đạt mức cao của ba tuần là 95,74 trong tuần trước.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Mỹ được dự đoán sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Chín và dự kiến sẽ tăng thêm một lần nữa vào tháng 12 nhờ số liệu kinh tế khả quan. 

Giá vàng đã để mất hơn 10% giá trị từ mức đỉnh trong tháng Tư do sức ép từ việc Mỹ tăng lãi suất giữa bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng tăng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 14,21 USD/ounce, sau khi chạm mức 13,90 USD/ounce trong phiên trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Giá bạch kim giao ngay tăng 1,5% lên 799 USD/ounce, còn giá palladium nhích 0,2% lên 976,30 USD/ounce.

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 12/9 với việc giá dầu Brent Biển Bắc có lúc vượt mức 80 USD/thùng. Diễn biến này có được là nhờ dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến và các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran làm dấy thêm lo lắng về nguồn cung dầu thế giới.

Kết thúc phiên này, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 68 xu Mỹ lên 79,74 USD/thùng, sau khi có lúc tăng lên 80,13 USD/thùng – mức giá cao nhất kể từ ngày 22/5. Tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,12 USD lên đóng phiên ở mức 70,37 USD/thùng – mức cao trong một tuần.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12/9 công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu Mỹ giảm 5,3 triệu thùng dầu trong tuần trước. Trước đó, các nhà phân tích dự kiến mức giảm này chỉ là 805.000 thùng.

Hỗ trợ đà đi lên của giá “vàng đen” phiên này còn có các lo ngại về nguồn cung xung quanh các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran. Kể từ mùa Xuân, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt trên, các nhà giao dịch đã tập trung vào ảnh hưởng tiềm tàng của sự kiện này đến nguồn cung toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt từ tháng 11 tới sẽ nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran – một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 12/9 cảnh báo tác động của những biện pháp trừng phạt này. Ông cho rằng đây là một bất ổn lớn trên thị trường khi những nước mua gần 2 triệu thùng dầu của Iran/ngày sẽ phản ứng như thế nào. Theo người đứng đầu Bộ Năng lượng Nga, các thị trường dầu toàn cầu “mong manh” do các nguy cơ địa chính trị và gián đoạn nguồn cung. Ông khẳng định Nga có thể tăng sản lượng nếu cần thiết.

OPEC trong báo cáo tháng mới đây giảm dự đoán tăng trưởng nhu cầu đối với dầu trong năm 2019 xuống mức 1,41 triệu thùng dầu/ngày và dự đoán các thách thức gia tăng tại một số nước mới nổi và đang phát triển có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

K.Dung - Minh Hằng (TTXVN)