03:13 31/03/2018

Đồng USD tăng giá gây áp lực lớn đối với thị trường vàng

Sau khi tăng mạnh trong phiên đầu tuần, giá vàng thế giới liên tiếp đi xuống trong các phiên sau đó, do xu hướng tăng giá của đồng USD.

Vàng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch đầu tuần (26/3), giá vàng thế giới tăng mạnh sau khi Mỹ cho biết sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao của Nga, khiến giới đầu tư tìm đến những tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn như vàng. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.354,62 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 4 tăng 5,10 USD, hay 0,4% và khép phiên ở mức 1.355 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm trong phiên ngày 27/3 giữa bối cảnh đồng USD hồi phục. Đồng USD phiên này đã khởi sắc so với các đồng tiền chủ chốt khác do Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành những cuộc đàm phán để tránh một cuộc chiến thương mại, qua đó khiến vàng bớt “lung linh” hơn đối với nhà đầu tư.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên ngày 28/3 khi để mất hơn 1% do đồng USD tiếp tục phục hồi nhờ những thông tin lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ. Chỉ số USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tiến 0,52% lên mức 89,8. Đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi thông tin Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2017 của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ mức tăng 2,5% (so với cùng kỳ năm 2016) lên 2,9%, tuy vẫn thấp hơn mức tăng 3,2% của quý III/2017.

Thêm vào đó, triển vọng tích cực liên quan đến khả năng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã làm dịu bớt không khí căng thẳng và qua đó càng giảm bớt nhu cầu về “tài sản trú ẩn an toàn” như vàng.

Giá vàng vẫn trên đà giảm trong phiên giao dịch ngày 29/3, giữa lúc đồng USD duy trì được đà tăng từ phiên trước. Tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.323,19 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi xuống 1.321,21 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 21/3. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Sáu giảm 2,7 USD (0,2%) và chốt phiên ở mức 1.327,30 USD/ounce. Thị trường đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 30/3.

Tuy nhiên, chiến lược gia Carsten Fritsch, thuộc Commerzbank, tại Frankfurt, nhận định giá vàng vẫn nhận được trợ giúp từ quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại St.Petersburg nhằm đáp trả hành động trục xuất số lượng lớn các nhà ngoại giao Nga do Anh và Mỹ khởi xướng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu tập người đứng đầu các phái đoàn ngoại giao của 23 quốc gia có hành động không thân thiện với Nga phục vụ cái gọi là "ủng hộ Anh liên quan đến vụ việc cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc". Hiện tổng cộng hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị yêu cầu rời khỏi các nước Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả những quốc gia khác.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng mối lo về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng chi phối tâm lý của các nhà đầu tư. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 29/3 cảnh báo các đề xuất thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng thép nhập khẩu có nguy cơ tạo ra một phản ứng dây chuyền, khiến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lan rộng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, một số nhà phân tích dự báo vàng tiếp tục được hưởng lợi từ phát biểu gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo đó dự báo sẽ có ít nhất là hai đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay, ít hơn 1 đợt so với dự đoán trước đây của giới quan sát. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng quá “nóng”.

Trà My (tổng hợp)