04:17 22/04/2021

Dòng tín dụng vào bất động sản chưa đến mức rủi ro 

Chiều 22/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dòng tín dụng vào bất động sản hiện chưa đến mức rủi ro, mới chiếm khoảng 19,8% tổng dư nợ. Từ nay tới cuối năm, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán.

Chú thích ảnh
Việc đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi, quay sang găm giữ bằng đất. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức.

Ước tính cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020. Trong khi đó, quý I/2020 tăng 1,45%; quý I/2019 tăng 3,42%; quý I/2018 tăng 1,68%. Theo NHNN, mức tăng này không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%.

Theo NHNN, trong cho vay bất động sản, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng bất động đạt 1,183 triệu tỷ đồng, tăng 1,75% so với cuối năm 2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế .

“Có thể khẳng định, tín dụng bất động sản không tăng đột biến. Tăng trưởng nóng của bất động sản thời gian qua là xuất phát từ việc các nhà đầu tư có hiện tượng ‘lướt sóng’ do các địa phương ban hành bảng giá tăng từ 15 - 20%. Mặt khác, thị trường chứng khoán tăng, tiền chốt lời nên các nhà đầu tư chuyển vào bất động sản”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản hiệu quả, bền vững, NHNN đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40%. Đối với khoản vay từ 4 tỷ đồng trở lên, hệ thống ngân hàng sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 150% nhằm hạn chế tín dụng đi vào các lĩnh vực rủi ro. “Còn dư nợ đối với lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%, chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Như vậy là không quá cao”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết. 

Chiều 22/4, đại diện NHNN cho biết: Từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Minh Phương/Báo Tin tức