01:16 02/01/2021

Dòng tiền trong nước vẫn là động lực chính hỗ trợ đà tăng chứng khoán

Giới phân tích từ các công ty chứng khoán đang có những lạc quan về diễn biến thị trường chứng khoán trong tuần tới (từ 4 - 8/1) và đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2021.

Còn nhiều dư địa tăng

Thị trường chứng khoán sau nhiều thử thách nhưng đã thăng hoa đến ngày cuối cùng năm 2020. Chuỗi ngày dài tăng điểm tạo nhiều cơ hội đầu tư khiến dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán. Chứng khoán Việt Nam không những lấy lại hết những gì đã mất sau đợt lao dốc vào tháng 3/2020 với cú sốc COVID-19 mà còn vượt xa mốc trước dịch.

Chú thích ảnh
Giới phân tích từ các công ty chứng khoán đang có những lạc quan về diễn biến thị trường chứng khoán trong tuần tới (từ 4 - 8/1) và đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2021. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sự phục hồi của thị trường chứng khoán là nhờ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa ở trong nước cũng như quốc tế và kỳ vọng vào việc vaccine sớm được phân phối vào năm sau.

Thực tế, kết phiên giao dịch cuối cùng của năm (phiên 31/12), VN - Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX - Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98%. UPCOM - Index cũng chốt ở mức 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%.

Đối với kỳ vọng thị trường năm 2021, nhóm chuyên gia của KBSV tiếp tục nghiêng về khả năng mở rộng đà tăng của chỉ số khi hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.

Theo KBSC, dù đã phục hồi mạnh và vượt qua mức trước dịch bệnh nhưng nền giá hiện tại vẫn ở mức hợp lý và còn nhiều dư địa để phản ánh thêm những cơ hội trong năm 2021; trong đó, kỳ vọng của KBSV bao gồm việc dịch bệnh COVID- 19 vẫn được kiểm soát hiệu quả ở Việt Nam; phân phối vaccine có thể diễn ra vào giữa năm 2021, qua đó chấm dứt dịch bệnh.

KBSV cũng cho rằng, nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hồi phục về giai đoạn bình thường trước dịch trong môi trường nới lỏng tiền tệ; cùng với những căng thẳng thương mại có phần hạ nhiệt khi Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, có thể sẽ tiếp cận một cách ôn hòa hơn.

KBSV kỳ vọng, VN - Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này, tương ứng với mặt bằng P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) dự kiến xấp xỉ 16,5 và EPS (Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) dự kiến tăng 20%.

Tuy nhiên, KBSV khuyến nghị, quý I/2021 được xem là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất với thị trường bởi số ca nhiễm dịch bệnh trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, có thể làm chậm quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, trong khi việc chuyển giao chính quyền mới ở Mỹ có thể không diễn ra suôn sẻ. Dù vậy, đây được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể gia tăng, mở lại tỷ trọng nếu thị trưởng giảm điểm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nêu quan điểm, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước COVID-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.

SSI cho rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” (tên gọi chung trên toàn thế giới về làn sóng các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán sau khi dịch bệnh bùng nổ) ngày càng tăng.

Định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

SSI vẫn có góc nhìn lạc quan về diễn biến thị trường năm 2021. Công ty chứng khoán này nhận định, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Nhận định chứng khoán tuần tới, SSI cho biết, việc VN - Index phiên cuối tuần qua nỗ lực vượt ngưỡng cản tâm lý 1.100 điểm cùng với động thái quay trở lại hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn cho thấy khả năng VN - Index đã quay lại với đà tăng sau phiên điều chỉnh liền trước.

Thêm vào đó, do các vùng giá mục tiêu trên VN - Index nằm tại 1.140 điểm và 1.200 điểm đang cách khá xa so với vùng giá hiện tại, nên nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, SSI cho rằng rủi ro có thể gia tăng khi thị trường tiến gần đến vùng 1.140 - 1.150 điểm, do đó nhà đầu tư cần phòng ngừa rủi ro bằng các chiến lược giao dịch phù hợp tại các vùng cản nêu trên, SSI khuyến nghị.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội SHS thông tin, từ tuần sau, quy định về nâng lô tối thiểu trên HOSE lên 100 cổ phiếu sẽ có hiệu lực và điều này có thể ảnh hưởng đến các giao dịch của nhà đầu tư. Thị trường đang đi vào vùng giá tương đối cao nếu so với tương quan diễn biến trong lịch sử.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020 kỷ lục VN - Index tăng điểm liên tiếp 9 tuần vào cuối năm 2017 và hiện tại thị trường đã san bằng với kỷ lục đó.

SHS cho rằng, thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong tuần tới và khả năng điều chỉnh được để ngỏ với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.070 (MA20) điểm và xa hơn quanh 1.010 điểm (MA50).

Có góc nhìn lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khởi sắc trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021. VN - Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.110 - 1.130 điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự quan tâm đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế, không chỉ có thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đi lên, thậm chí lập nhiều kỷ lục trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thăng hoa và những kỷ lục mới

Các chỉ số chính của Phố Wall đã kết thúc năm 2020 ở mức cao nhất mọi thời đại vào phiên 31/12 - một kết quả khá ngạc nhiên cho một năm kinh tế Mỹ “chao đảo” vì đại dịch COVID-19.

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 khép phiên ở mức kỷ lục mới. Cùng với Nasdaq, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đạt mức tăng đáng kể ngay cả trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các lĩnh vực như khách sạn, hàng không, dầu khí và nghệ thuật đều chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch.

Kết thúc phiên cuối cùng của năm 2020 trên thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7%, lên 30.606,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.756,07 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,1% và khép phiên ở mức 12.888,28 điểm.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang giao dịch Briefing.com cho biết, đối với các doanh nghiệp, đó là một năm tồi tệ; còn đối với Phố Wall, đó là một năm tuyệt vời.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo về những rủi ro phía trước trong những tháng đầu tiên của năm 2021. Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn National Securities, cho rằng thị trường phần lớn hoạt động rất tốt vào năm 2020 vì nhà đầu tư đã đặt cược hết cho năm 2021.

Ở bên kia Đại Tây Dương, Bản đồ chứng khoán châu Âu năm 2020 đan xen những màu sắc khác nhau. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 3,6% trong năm qua, nhưng CAC 40 của Pháp suy giảm tới 7,1%, trong khi chỉ số FTSE 100 tại London trải qua năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với mức giảm 14%.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối cùng của năm 2020 với các mức tăng giảm trái chiều, dù cho nhiều thị trường đã đóng cửa nghỉ lễ Năm mới.

Kết thúc phiên cuối năm 2020 (phiên 31/12), tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều khép phiên với sắc xanh. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đóng cửa tăng 84,02 điểm (0,31%), lên 27.231,13 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tiến 58,62 điểm (1,72%), lên 3.473,07 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 5/2/2018. 

Trước đó, thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm nhẹ trong phiên cuối cùng của năm 2020 vào ngày 30/12, song tính chung cả năm nay, chỉ số Nikkei 225 tăng 16% lên mức cao kỷ lục.

Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc tăng “phi mã” trong năm nay khi tăng 30% so với năm ngoái. Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul tiến 52,96 điểm (1,88%) lên mức 2.873,47 điểm, tăng cao hơn 30,75% so với năm ngoái.

Văn Giáp (TTXVN)