11:10 10/11/2011

Động thái mới làm dịu căng thẳng trên chính trường Italia

Ngày 9/11, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chỉ định cựu uỷ viên châu Âu Mario Monti, nhân vật có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Silvio Berlusconi, làm thượng nghị sĩ trọn đời. Theo một số nhà phân tích, động thái này là dấu hiệu cho thấy ông Monti có thể trở thành nhà lãnh đạo chính phủ kế tiếp ở Italia.

Ngày 9/11, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chỉ định cựu uỷ viên châu Âu Mario Monti, nhân vật có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Silvio Berlusconi, làm thượng nghị sĩ trọn đời. Theo một số nhà phân tích, động thái này là dấu hiệu cho thấy ông Monti có thể trở thành nhà lãnh đạo chính phủ kế tiếp ở Italia.


Ông Mario Monti, người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ảnh: Internet

Trong một tuyên bố từ văn phòng của mình, Tổng thống Napolitano nhấn mạnh việc chỉ định ông Monti làm thượng nghị sĩ trọn đời là căn cứ vào những đóng góp của ông này trong các lĩnh vực khoa học và xã hội. Tổng thống Napolitano còn cho hay quyết định này cũng được Thủ tướng Berlusconi đồng ký tên.

Nhà bình luận chính trị Enrico Mentana đánh giá rằng diễn biến trên cho thấy ông Monti là lựa chọn duy nhất của Tổng thống Napolitano để kế nhiệm ông Berlusconi trên cương vị thủ tướng sau khi ông Berlusconi tối 8/11 tuyên bố sẽ từ chức một khi Quốc hội thông qua các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU).

Luật sư Giuliano Cazzola thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của Thủ tướng Berlusconi nhận định động thái trên cũng củng cố giả thuyết rằng ông Monti sẽ là nhân vật lãnh đạo một chính phủ có tính thể chế và chuyên môn cao. Theo ông này, đây dường như là giải pháp duy nhất cho tình hình chính trị rối ren hiện nay ở Italia.

Ông Monti, một chuyên gia kinh tế 68 tuổi, hiện đang giữ chức Giám đốc Đại học Bocconi danh tiếng ở Milan, nơi chuyên đào tạo lớp chuyên gia tài chính ưu tú cho Italia. Ông Monti được chính phủ đầu tiên của Thủ tướng Berlusconi đề cử giữ chức ủy viên châu Âu vào năm 1994 và sau đó tiếp tục làm việc ở Brúcxen thậm chí cả sau khi ông Massimo D'Alema lên làm thủ tướng. Điều này đã giúp tạo dựng được hình ảnh của ông như là một nhân vật không quan tâm đến các hoạt động chính trị đảng phái.

* Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, nhóm thanh sát viên thuộc EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đến Rôma, bắt đầu nhiệm vụ giám sát các cam kết cải cách kinh tế của Chính phủ của Thủ tướng Berlusconi.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, nhóm thanh sát viên này, dẫn đầu là Phó Tổng giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Uỷ ban châu Âu Servas Deroose và Phó Tổng giám đốc về phát triển kinh tế của ECB Hans-Joachim Kloeckers, đã làm việc với Bộ Hành chính công Italia. Bộ trưởng bộ này, ông Renato Brunetta đã có văn bản trả lời các câu hỏi mà nhóm thanh sát viên gửi đến trước đó, trong đó khẳng định ông đang bắt đầu thực hiện các biện pháp chống tệ quan liêu và hiện đại hóa khu vực hành chính công theo như cam kết trong gói đề xuất cải cách mà ông Berlusconi đưa ra với EU cách đây 2 tuần.

Tiếp đó, nhóm thanh sát viên sẽ làm việc với Ngân hàng Trung ương Italia cũng như Bộ Kinh tế và Tài chính Italia. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Giulio Tremonti dự kiến sẽ công bố các biện pháp cải cách khác của Italia, trong đó có việc bán các tài sản nhà nước và cải cách lương hưu.

Cùng ngày 9/11, phát biểu tại Lixbon (Bồ Đào Nha), Chủ tịch Nhóm bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker nhấn mạnh Italia không nên chỉ "nói xuông", mà cần phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã cam kết với các đối tác châu Âu để chứng tỏ rằng lòng tin mà các đối tác châu Âu đặt vào Rôma là đúng đắn.

Các biện pháp cải cách nói trên của Chính phủ Italia dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội để thảo luận và bỏ phiếu vào ngày 13/11 tới.


Ngự Bình
(P/v TTXVN tại Italia)