05:20 20/05/2015

Đồng ruble tỏa sáng trên thị trường tiền tệ

Đồng ruble đã bất ngờ trở thành một trong những "vì sao" trên các thị trường tiền tệ trong năm 2015, tăng giá tới mức cao nhất so với USD kể từ năm 2013 và buộc Ngân hàng TƯ Nga trong vài ngày vừa qua phải có biện pháp kìm hãm đồng tiền này tăng giá quá nhanh.

"The Washington Times" cho rằng đồng ruble Nga đã bất ngờ trở thành "sao" trên thị trường tiền tệ. Năm tháng trước, Ngân hàng TƯ Nga cần tăng lãi suất chủ đạo vào nửa đêm, chỉ để giúp đồng ruble đang vật lộn với khó khăn không bị sụp đổ trên các thị trường tiền tệ thế giới khi kinh tế Nga đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ tín dụng giảm mạnh, vốn chảy ra khỏi đất nước đồng thời giá dầu và khí đốt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga lao dốc.
          

Đồng xu ruble Nga đặt trước Điện Kremlin.


Tuy nhiên 5 tháng sau, đồng ruble đã bất ngờ trở thành một trong những "vì sao" trên các thị trường tiền tệ trong năm 2015, tăng giá tới mức cao nhất so với USD kể từ năm 2013 và buộc Ngân hàng TƯ Nga trong vài ngày vừa qua phải có biện pháp kìm hãm đồng tiền này tăng giá quá nhanh. Sau khi nhanh chóng giảm tới mức 79 ruble/USD vào giữa tháng 12/2014, đồng nội tệ Nga nay đang được giao dịch ở mức chỉ 49 ruble/USD.

Theo chỉ số index do JPMorgan lập ra, đồng ruble là đồng tiền thể hiện tốt nhất trên các thị trường mới nổi toàn thế giới tính tới thời điểm này trong năm 2015. Thị trường chứng khoán Nga, vốn cũng lao dốc trong năm 2014, đến nay đã tăng 25%.
           
Dù về lâu dài, bất luận đó có là điều tốt hay xấu thì đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, vốn đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và nhiều trở ngại trên thi trường quốc tế, đây vẫn là một dấu hỏi. Tuy nhiên có thể nói, "kịch bản tồi tệ nhất" theo lời Phó thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov, “đã không xảy ra".

Đồng ruble tăng giá mạnh là niềm tự hào dân tộc của Nga, tuy nhiên nó cũng đem theo những hiệu ứng trái ngược. Lạm phát được kiềm chế, tuy nhiên xuất khẩu của Nga nay trở nên đắt đỏ hơn, và các nhà sản xuất nội địa phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.

Đây là điều không có lợi cho Moskva trong bối cảnh đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng nhất trong vòng 5 năm do chi tiêu quân sự. Nga hiện chi 1/5 ngân sách liên bang cho quốc phòng. Dù đồng USD thu được từ bán dầu mỏ vẫn không thay đổi song do đồng tiền của Nga vững lên, ngân sách nước này sẽ thu được ít ruble hơn, và khả năng thanh toán của chính quyền Tổng thống Putin sẽ hạn chế hơn.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)