03:11 05/03/2011

Đồng nát đang “nuốt” xã Nam Mỹ

Dọc theo quốc lộ 21 về xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, Nam Định, người ta không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đống phế liệu khổng lồ tràn cả ra đường...

Dọc theo quốc lộ 21 về xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, Nam Định, người ta không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đống phế liệu khổng lồ tràn cả ra đường, có khi che khuất hết cả ngôi nhà mà chủ nhân của nó đang ở.

Không những thế, khói bụi còn khét lẹt và tiếng ồn phát ra từ những chiếc máy nấu nhựa, xay nhựa khiến người dân sống quanh khu vực của xóm đồng nát này “dở khóc dở mếu”.

Làng đồng nát “hiện đại”

Làng đồng nát này nằm dọc theo quốc lộ 21 - trục đường giao thông chính đi xuống các huyện Hải Hậu, Trực Ninh… của tỉnh Nam Định, được bao bọc bởi những đống phế liệu khổng lồ.

Sáng tinh mơ, cả làng đồng nát của xã Nam Mỹ đã rộn rã, tấp nập người. Những đống phế liệu được người lao động chọn lựa và phân theo từng loại riêng biệt.

Trước đây, người dân làng Nam Mỹ chỉ đi thu gom phế liệu ở khắp nơi về bán qua tay kiếm lời. Các loại hàng phế liệu chỉ là lông gà, lông vịt, hay những chiếc nồi đồng, nồi nhôm cũ, chẳng ai nghĩ đến việc làm giàu từ cái nghề “đồng nát” này.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trở về đây làng đồng nát “cổ truyền” cũng đang dần đổi mới thành làng đồng nát “hiện đại”. Lông gà, lông vịt được thay bằng nhựa hỏng, giấy bóng, bì xác rắn… Những chiếc máy xay nhựa, nấu nhựa cũng bắt đầu xuất hiện.

Người lao động phân loại phế liệu.


Nhựa được người dân phân loại, rửa sạch rồi cho vào máy, xay ra thành sản phẩm. Giấy bóng, bì xác rắn thì được chế tạo theo một quy trình “bài bản” hơn. Chúng được người dân thu mua về rửa sơ qua, cho vào máy nghiền - đốt nóng chảy thành nhựa sau đó được đưa vào nước rồi băm thành hạt nhựa.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh tự phát cũng ùn ùn xuất hiện. Phế liệu tràn ngập khắp sân nhà, tràn cả xuống sông. Không chỉ thế, khi thời tiết khô ráo, đặc biệt là vào mùa hè, người làm nghề đồng nát còn đốt nilon, dây điện bừa bãi để lấy lõi đồng bên trong.

Lợi nhuận “tỉ lệ nghịch” với sức khỏe

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ cho biết, trên địa bàn xã có trên 20 hộ kinh doanh nhựa phế liệu. Các hộ sản xuất, kinh doanh phế liệu đều xây dựng xưởng sản xuất và kinh doanh nhựa ngay tại nhà.

Từ khi nghề đồng nát xuất hiện thì đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện hơn, những ngôi nhà cũ kỹ đang dần được thay thế bằng nhà lầu. Tuy nhiên tỉ lệ thuận với nhà đẹp là các đống phế liệu ngày càng cao sừng sững, có những xưởng phế liệu chất đống còn cao hơn cả nhà ở!

Thăm xưởng nhà ông Trần Văn Lợi (xóm 8 – Nam Mỹ - Nam Trực), chưa đến đầu ngõ, chúng tôi đã thấy mùi nhựa cháy bốc ra gây cảm giác rất khó chịu. Trong xưởng có hai lao động nữ đang nhặt và phân loại nilon và bao bì xác rắn.

Khi hỏi mùi khét này từ đâu ra, một chị chỉ vào chiếc máy nấu nhựa trong góc sân nói là nấu từ sáng sớm nhưng mùi phải đến chiều mới hết được. Vui vẻ tiếp khách, ông Lợi cho chúng tôi xem giấy phép kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường do Phòng tài nguyên môi trường Công an tỉnh Nam Định cấp.

Người dân Nam Mỹ tự hào đã làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Xưởng sản xuất nào cũng có cam kết bảo vệ môi trường, cũng xây dựng ống khói theo đúng tiêu chuẩn để thải khói, nhưng khi nấu nhựa, mùi vẫn bay nồng nặc khắp xóm làng.

Phế liệu chưa sử dụng chất cao sừng sững phơi mưa phơi gió, nước mưa chảy qua các bì phế liệu rồi ngấm xuống đất làm ảnh hưởng ngay cả đến nguồn nước sông, nước giếng mà người dân sử dụng. Có nhà còn không dám sử dụng nước giếng vì nước bị đổi màu hoặc nổi váng mỗi khi múc lên!

Ông Chủ tịch xã Nam Mỹ cũng cho biết, những năm gần đây lượng người trung niên bị mất do bệnh ung thư ở khu vực này là nhiều nhất trên địa bàn xã Nam Mỹ. Chính vì vậy người dân phản đối dữ dội việc nấu nhựa của các hộ làm nghề này.

Họ lo sợ sức khỏe của mình sẽ bị ảnh hưởng do hít quá nhiều khói từ những cơ sở sản xuất nhựa này. Bác Bài, y sĩ (xóm Trung Thành, Nam Mỹ) cho biết: “Từ ngày nghề nấu nhựa này xuất hiện, người dân chúng tôi sống khốn khổ. Có nhà lúc nào cũng phải đóng cửa im ỉm để tránh mùi khó chịu này. Người trẻ khi hít phải mùi này đều không chịu nổi, chưa nói gì đến người già và trẻ em”.

Những người dân xã Nam Toàn sống cách đấy một con sông cũng chỉ biết ngậm ngùi ca thán với nhau. Nhà ông Lâm (xóm 1, Nam Toàn, Nam Trực) đã mấy tháng nay không dám dùng đến nước sông và nước giếng. Nhà lúc nào cũng phải đóng kín vì mùi nhựa cháy.

Nghề sản xuất phế liệu đã tạo công ăn việc làm và mang lại lợi nhuận cho không ít hộ dân kinh doanh của khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ lẻ, không có biện pháp lọc, xử lý chất thải hợp lý đã khiến cho sức khỏe và môi trường sống của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cần phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương để các hộ kinh doanh này có một khu sản xuất độc lập, có quy hoạch. Có thế mới có thể duy trì và phát triển thành một làng nghề sản xuất an toàn.

Vân Anh - Nguyễn Thảo