01:18 30/01/2012

Đồng Nai:“Giải mã” để phát triển công nghiệp phụ trợ

Tính đến đầu năm 2012, tỉnh Đồng Nai đã thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tính đến đầu năm 2012, tỉnh Đồng Nai đã thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp phụ trợ chuyên ngành còn thiếu và còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị và các nguyên vật liệu cho lắp ráp, chi phí cao, dẫn đến tình trạng nhập siêu các nguyên phụ kiện phục vụ sản xuất hàng năm rất lớn, nên luôn mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu các năm qua.

Dây chuyền sản xuất sợi bông tại Công ty CP dệt may Sơn Nam (KCN Hòa Xá, Nam Định). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất các chi tiết linh kiện, máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu như sản xuất nút áo, đế giày, vải sợi… nhưng mức độ còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, việc sắp xếp các nhà máy sản xuất chưa hợp lý và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi nên không khuyến khích được nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ này. Chủ tịch tỉnh còn nhấn mạnh: “Nếu để kéo dài tình trạng trên, thì sản xuất công nghiệp của tỉnh Đồng Nai sẽ bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị và các nguyên vật liệu cho lắp ráp, từ đó không giảm được chi phí, khó cạnh tranh trên thị trường và tỷ trọng nhập siêu cũng khó có thể giảm được”.

Hỗ trợ CNH, HĐH phát triển bền vững

Ngành công nghiệp Đồng Nai trong thời gian qua chỉ tập trung vào phát triển chủ yếu theo chiều rộng; chủ yếu phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Dệt may, giày dép; cơ khí ô tô, xe máy; điện tử... sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao...

Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng (công nghiệp sản xuất lắp ráp) và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu. Thế nhưng, những năm qua, Đồng Nai chỉ có 3 ngành công nghiệp chủ yếu có khả năng thúc đẩy và kéo theo các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đó là: Cơ khí; điện - điện tử và dệt may - giày dép. Ba ngành này đã đầu tư khá nhiều cho công nghiệp phụ trợ và đã tạo động lực cho phát triển, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, cung cấp phụ tùng linh kiện cho các ngành công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm.

Tuy nhiên, hầu hết ngành công nghiệp phụ trợ của Đồng Nai là do các nhà cung ứng linh kiện Nhật Bản, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư, chỉ có phần nhỏ là của các doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân do công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp chủ yếu tại Đồng Nai vẫn chưa tìm được mối liên kết với nhau để hướng tới chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp do chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư và chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp lớn đặt hàng, nên chưa mạnh dạn đầu tư vào ngành sản xuất này.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, lý do khiến ngành công nghiệp phụ trợ chưa tạo được sức bật đó là do sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp phụ trợ còn thấp do giá thành cao, chất lượng không ổn định, thời hạn giao hàng không đảm bảo; thiếu các cơ sở sản xuất vật liệu cơ bản như sắt, thép, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện điện tử... Công nghệ sản xuất còn lạc hậu; số lượng các doanh nghiệp cung ứng nội địa ít; doanh nghiệp chưa chủ động trong tìm kiếm thương mại, thiếu sự phối hợp liên kết giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ sức khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

“Giải mã” để phát triển

Để hạn chế nhập siêu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp năm 2012, Đồng Nai đã quyết định tổ chức, sắp xếp lại theo hướng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ chính.

Tỉnh vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép thành lập một số khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Những KCN này được chọn từ những KCN đã có trong quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trước đó. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho phép các KCN này được hưởng các chính sách ưu đãi như: Thực hiện thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 16 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 90% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP), miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị thuôc dự án đầu tư CNPT; miễn tiền thuê đất 11 năm (theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP), được vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong KCN với lãi suất ưu đãi từ Ngân hang Phát triển Việt Nam hoặc được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển nhanh ngành công nghiệp phụ trợ, Đồng Nai nên đẩy mạnh việc thực hiện đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh và liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng các linh kiện, sản phẩm phụ trợ. Vì chỉ có đa dạng hóa liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư thì các doanh nghiệp trong nước mới là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu. Từ trước đến nay chúng ta mới quan tâm đến liên doanh thông qua việc góp vốn đầu tư, gia công sản phẩm đơn giản, giờ đã đến lúc chúng ta phải coi trọng liên doanh, liên kết dưới dạng đối tác chiến lược, doanh nghiệp vệ tinh, chuyển nhượng bản quyền, thương hiệu.

Ngoài ra, cùng với việc hình thành nhanh các khu cụm công nghiệp phụ trợ, các chuyên gia cho rằng tỉnh cần phải có chính sách khuyến khích kèm theo. Đó là phải thiết lập định chế tài chính và hệ thống hỗ trợ tín dụng để cung cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đối tượng này thường hay bị ngân hàng từ chối cho vay vì không có tài sản thế chấp. Đồng thời nên tổ chức thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật như cung cấp thông tin, chuyên môn và quản lý rất cần thiết cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng các trung tâm đào tạo kinh doanh và công nghệ cũng như các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ “giải mã” được sự chậm chạp đi lên của ngành công nghiệp phụ trợ trong năm 2012, để đến năm 2015 Đồng Nai sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa một cách bền vững và sẽ trở thành tỉnh động lực phát triển kinh tế - xã hội của miền Đông Nam bộ.

Lê Hiền - Quốc Thái