04:09 05/04/2011

Đồng Nai: "Khát" lao động nông thôn

Những tháng đầu năm nay, tại tỉnh Đồng Nai, lao động ở nông thôn khan hiếm trầm trọng, bởi thời vụ thu hoạch tiêu, điều và làm vườn đã bắt đầu.

Những tháng đầu năm nay, tại tỉnh Đồng Nai, lao động ở nông thôn khan hiếm trầm trọng, bởi thời vụ thu hoạch tiêu, điều và làm vườn đã bắt đầu.

Giá công thuê thợ làm nông nghiệp ở Đồng Nai hiện tăng khoảng 30-40% so với giữa năm 2010 nhưng nhiều hộ vẫn không thuê được nhân công, nhất là những việc nặng nhọc như phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước, thu hái tiêu, điều. Để thuê được nhân công phụ việc làm cho đúng mùa vụ, các hộ phải trả tiền công tới 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày.

Lao động ở Đồng Nai khan hiếm trầm trọng khi đến thời vụ thu hoạch tiêu, điều... Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Nhiều nhà vườn trồng xoài, chôm chôm, sầu riêng ở thị xã Long Khánh cho biết: Việc thuê thợ phun thuốc trừ sâu trên các loại cây ăn trái hiện rất khó, dù tiền công trả 150.000 đồng/ngày. Có lúc không thuê được thợ, các nhà vườn phải tự phun rất vất vả cũng không xuể trong khi sâu bệnh hại cây trồng phát triển mạnh, nếu phun thuốc không kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng trái cây.

Tình trạng trên cũng đang xảy ra đối với các hộ trồng lúa, ngô đông xuân... Theo một số nông dân có ruộng rẫy ít hay đi làm thuê, hàng hóa tiêu dùng trên thị trường đều tăng cao nên công thợ cũng phải tăng. Trước tình hình lao động nông nghiệp ngày một khan hiếm, một số hộ khá giả chấp nhận vay thêm vốn ngân hàng mua máy móc cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất để giảm bớt lao động thủ công và áp lực thiếu lao động mùa vụ.

Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, giảm được 80% công tưới và bón phân hóa học. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư máy móc cho một số khâu trồng trọt như làm đất, tưới, thu hoạch nhằm giảm bớt khó khăn do thiếu lao động thời vụ tăng dần.

Tuy nhiên, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng nên tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra gay gắt. Trong khi đó số lao động nhàn rỗi ở nông thôn tuy còn nhiều nhưng họ cũng ngại đi làm thuê ở nông thôn mà muốn kiếm việc tự do ở các đô thị.

Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết: Mặc dù mỗi năm, các trung tâm dạy nghề của tỉnh đào tạo và giới thiệu việc làm từ 80.000 - 90.000 lao động, song thực tế, số lao động được tuyển dụng vào các khu công nghiệp chưa nhiều, các doanh nghiệp vẫn phải tuyển thêm lao động từ các tỉnh khác, trong khi lao động nhàn rỗi ở nông thôn trong tỉnh còn khá.

Tại các khu công nghiệp của tỉnh, mặc dù lao động những tháng đầu năm nay tương đối ổn định nhưng tình trạng "nhảy việc" (người lao động không yên tâm làm một nơi mà liên tục chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác) vẫn diễn ra ở hầu khắp các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng trên luôn tạo ra cơn "sốt ảo" về lao động trên địa bàn, làm cho việc định hướng sản xuất ở các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn.

Đồng Nai hiện có khoảng 11.500 doanh nghiệp thu hút hơn 700.000 lao động, trong đó có hơn 800 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở 21 khu công nghiệp tập trung thu hút gần 400.000 lao động.

Theo ông Phạm Văn Vui, Phó Giám đốc nhân sự Công ty VMEP ở thành phố Biên Hòa: Tình trạng "nhảy việc" diễn ra khiến cả doanh nghiệp và người lao động đều phải chịu những thiệt thòi nhất định. Doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, tiền bạc, công sức cho việc tuyển dụng, đào tạo mới để thay thế; người lao động thì có thể sẽ được hưởng lương cao hơn một chút nhưng lại mất đi quá trình phấn đấu, thâm niên làm việc ở công ty cũ, mất thêm một thời gian tiếp sau đó để được tăng lương... Một trong những mục đích chính của người lao động khi "nhảy việc" là muốn đạt được mức thu nhập cao hơn so với nơi cũ. Tuy nhiên, "nhảy việc" thành công thường chỉ đến với những người lao động có trình độ cao và biết tính toán kỹ. Đối với lao động phổ thông, "nhảy việc" để đạt được mức thu nhập cao hơn từ 18-25% là điều hiếm khi xảy ra.

Theo kinh nghiệm của ông Bùi Quang Hinh, Trưởng phòng Tổng vụ, kiêm công tác tuyển dụng của Công ty Hwasung Vina ở KCN Biên Hòa 2, mức lương của lao động phổ thông ở các doanh nghiệp thường chênh lệch nhau nhưng không quá lớn. Nếu không tính toán cẩn thận, cứ thấy doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với mức thu nhập cao mà xin vào là chịu thiệt. Lao động muốn có một công việc với thu nhập ổn định nên nghiên cứu kỹ công ty mình muốn xin việc, về tiền lương, thưởng, các khoản phụ cấp, đặc biệt là phải hiểu rõ về cách tính lương của doanh nghiệp đó, có sự so sánh với các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, thời gian làm việc.

Minh Hưng