05:14 19/05/2020

Động lực vượt lên số phận từ một lần được gặp Bác

Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng những ký ức về lần duy nhất trong đời được gặp Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của người đàn ông cụt hai tay Hoa Xuân Tứ (sinh năm 1950, trú tại xóm 2, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Những lời động viên, căn dặn của Bác là động lực để ông Hoa Xuân Tứ vượt qua khó khăn, ngịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
 Bức ảnh kỷ niệm ông Hoa Xuân Tứ được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc năm 1966. 

Chúng tôi gặp ông Hoa Xuân Tứ khi ông vừa dự Hội nghị Điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Nội trở về. Ấn tượng đầu tiên về ông là một con người hiền lành, vẻ mặt in hằn sự lam lũ song lại đầy nghị lực.

Lấy cho chúng tôi xem hai bức ảnh, một bức ảnh chung toàn cảnh về Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc năm 1966, một bức ảnh các cháu thiếu nhi được chụp chung với Bác Hồ trong đó có ông. Đây là những kỷ vật được ông cất giữ rất cẩn thận, đóng khung nhôm và đặt ngay ngắn trong tủ kính. Đặc biệt, những lời bác dặn và động viên cách đây hơn 50 năm luôn là động lực để ông vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ông Hoa Xuân Tứ kể lại, năm ông 4 tuổi, khi đi xem máy ép mía bằng trục đá do trâu bò kéo, vì bất cẩn, cả phần thân trên của ông đã bị cuốn vào trục đá, khiến hai cánh tay bị nghiền nát lên tận bả vai, ngực cũng bị tổn thương nặng. Sau một thời gian cứu chữa, bác sỹ buộc phải cắt trọn 2 cánh tay của ông. Dù mới 4 tuổi nhưng ông đã hiểu nỗi mất mát lớn lao của mình và không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Với những cố gắng trong học tập và cuộc sống, năm 1966, Hoa Xuân Tứ vinh dự được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. Đây cũng là lần duy nhất trong đời, Hoa Xuân Tứ được gặp Bác Hồ. Những lời hỏi thăm ân cần, động viên của Bác đối với các cháu thiếu nhi hồi đó luôn được cậu bé Hoa Xuân Tứ ghi nhớ, như một hành trang theo suốt cuộc đời.

Ông Hoa Xuân Tứ xúc động kể lại: “Năm đó tôi là một trong 6 thiếu nhi tham dự Đại hội, vì đã có những cố gắng trong học tập và cuộc sống. Đại hội to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Sau khi gặp gỡ chung toàn Đại hội, chúng tôi được gặp riêng Bác. Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng bạn rồi thưởng kẹo. Bác đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và làm việc thật tốt. Các cháu là tương lai sau này của đất nước, do vậy các cháu phải cố gắng học tập nhiều hơn nữa để sau này trở thành người có ích cho đất nước, có ích cho xã hội”.

“Biết hoàn cảnh của tôi, Bác đã trực tiếp giao cho bác sỹ Tôn Thất Tùng đo và làm cho tôi cánh tay giả. Chiếc tay giả này có khớp, giúp tôi ăn cơm hay làm các việc nhẹ nhàng, tiếc rằng đã bị cuốn mất trong cơn lũ năm 1978”, ông Hoa Xuân Tứ nói.

Từ sau lần gặp Bác, những lời căn dặn của Bác đã trở thành động lực để ông Hoa Xuân Tứ cố gắng mỗi khi cảm thấy khó khăn trong cuộc sống. Không may mắn có đôi cánh tay để làm việc, chăm sóc bản thân như bao người, song ở ông có một sự nỗ lực phi thường, không cam chịu khuất phục trước số phận khiến ai cũng nể phục. Ngay từ nhỏ, dù không có tay để viết, song ông đã tập luyện viết bằng chân rồi luyện viết bằng cách lấy vai kẹp bút vào cằm để viết một cách thành thạo và giành nhiều thành tích cao trong học tập nhiều năm liền.

Chú thích ảnh
Lời Bác căn dặn, động viên là động lực để ông Hoa Xuân Tứ, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Người ta vẫn thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” song đối với Hoa Xuân Tứ không có việc gì là ông không làm được, từ đào đất, làm việc đồng áng đến mọi công việc nhỏ nhặt trong gia đình. Hiện nay, vợ chồng ông có 4 người con, trong đó có 3 người đã trưởng thành, lập gia đình. Từng là hộ nghèo suốt nhiều năm, song với nỗ lực lao động không ngừng nghỉ, năm 2015 gia đình ông đã thoát nghèo.

Ông Phan Đình Hoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Châu Nhân cho biết, ông Hoa Xuân Tứ là một tấm gương điển hình vượt lên số phận để mọi người học hỏi, nhất là thế hệ trẻ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, và không còn đôi cánh tay song ý chí kiên cường “tàn nhưng không phế” đã được ông Hoa Xuân Tứ chứng minh, khiến ai cũng phải nể phục.

Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)