10:16 09/10/2014

Động lực mới từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Cơ hội để Lào Cai cất cánh

Việc đưa tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào hoạt động không chỉ giúp kết nối giữa các địa phương trong vùng Tây Bắc, mà còn giúp Lào Cai nâng tầm phát triển về mọi mặt.

Việc đưa tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào hoạt động không chỉ giúp kết nối giữa các địa phương trong vùng Tây Bắc, mà còn giúp Lào Cai nâng tầm phát triển về mọi mặt.

Giao thông đi trước một bước

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã xác định: Tập trung đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối liên vùng như các đường cao tốc, đường quốc lộ, đường sắt, sân bay. Xây dựng các công trình kỹ thuật đầu mối như hệ thống cấp thoát nước ở đô thị; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp hoàn thiện các trung tâm y tế chất lượng cao và các bệnh viện khu vực tại Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực cho Lào Cai phát triển.


Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, muốn khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Bắc thì điều kiện kiên quyết là phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện kết cấu hạ tầng cho vùng Tây Bắc, trước hết là giao thông. Sau 5 năm thi công xây dựng, cuối tháng 9 vừa qua, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài 245 km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng kết nối cả vùng Tây Bắc và một vùng phía Đông Bắc. Việc đưa tuyến đường này vào vận hành khai thác không chỉ kết nối giữa vùng Tây Nam (Trung Quốc) với vùng Tây Bắc nước ta mà còn cả với các tỉnh, thành khác trong cả nước trên tuyến đường xuyên Á. Đặc biệt, mở ra một cơ hội lớn cho Lào Cai, giúp các địa phương của tỉnh nâng tầm phát triển kinh tế - xã hội với những vận hội mới.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đang nghiên cứu, tiếp tục xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đây cũng là tuyến đường rất quan trọng dù chỉ dài 60 km, nối trung du miền núi phía Bắc là thành phố Thái Nguyên với Hà Nội và tạo cơ hội lớn để phát triển khu vực này và các tỉnh lân cận. Trục thứ ba là cao tốc Hà Nội - Đồng Đăng.

Như vậy, nếu các tuyến đường này được xây dựng thì Tây Bắc sẽ có 3 trục giao thông lớn, là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên. Ngoài ra còn có hệ thống đường Hồ Chí Minh nối từ Pắc Bó (Cao Bằng) đi qua các địa phương trong cả nước. Còn các tuyến quốc lộ (QL) khác như QL6, QL2, QL3, QL70… trên khu vực này khi được đầu tư nâng câp, cải tiến hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt thì Tây Bắc sẽ có điều kiện khai thác tiềm năng lợi thế của vùng. Mặc dù còn rất khó khăn về nguồn lực, nhưng Chính phủ quyết tâm đầu tư khai thác lợi thế vùng Tây Bắc.

Cơ hội giao thương

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong khu vực, trong đó có Lào Cai phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giao thương quốc tế. Đặc biệt, không chỉ có tác dụng rút ngắn thời gian hành trình, tuyến đường còn giúp cho các nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ xích lại gần nhau hơn, và giúp cho người bệnh tiếp cận các trung tâm y tế nhanh chóng hơn.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố. Điểm đầu đường cao tốc nối với đường vành đai III trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long. Điểm cuối tại thôn An Quang huyện Bát Xát, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 120 km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80 km/h.

Lào Cai đã mong chờ tuyến đường cao tốc từng ngày, từng giờ, khi mà tuyến đường sắt chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Lào Cai tới các tỉnh, thành phố miền xuôi và ngược lại. Trước khi khai thông tuyến cao tốc này, quốc lộ 70 hằng ngày phải oằn mình cõng hàng trăm lượt xe khách, xe tải ngược xuôi và những vụ tắc đường xảy ra thường xuyên đã gây những thiệt hại kinh tế không thể tính đếm. Nhưng đáng kể hơn là tuyến đường đã mở ra tương lai, vận hội mới để Lào Cai khai thác những tiềm năng, giúp địa phương “cất cánh”.

Để đón đầu những lợi thế khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động, lãnh đạo các địa phương trong đó có tỉnh Lào Cai đã đi trước một bước trong việc phát triển hạ tầng. Cụ thể, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được xây dựng một cách đồng bộ; trong đó có khu thương mại công nghiệp Kim Thành lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc. Đây là một trong những điểm nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nối từ cầu đường bộ Kim Thành bắc qua sông Hồng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí thuận lợi, đây là điểm được các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn để đầu tư dịch vụ thương mại và các dự án khác.

Đó là tiềm năng phát triển kinh tế thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa. Con số kim ngạch xuất - nhập khẩu gần 2 tỷ USD mỗi năm qua các cửa khẩu của Lào Cai mới là sự khởi đầu đối với vị thế cầu nối của tỉnh này trên tuyến hành lang kinh tế Vân Nam, các tỉnh vùng Tây Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Số doanh nghiệp đăng ký xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai đang tăng lên từng ngày, danh sách hàng hóa vì thế mà cũng dài hơn, trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn bắt đầu triển khai các kế hoạch phát triển mới theo hướng mở rộng quy mô và số lượng các đơn hàng, hợp đồng kinh tế liên tục được nhân lên. Ngành kinh tế công nghiệp của Lào Cai với thế mạnh về khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất, chế biến nông - lâm sản cũng nhận được điều kiện phát triển mới khi đường cao tốc hoàn thành.

Sau ngày thông xe toàn tuyến, những chuyến xe chở sản phẩm phôi thép, đồng tấm, phân bón, hóa chất, phốt pho vàng có thương hiệu “Made in Lào Cai” đang hòa vào dòng xe tấp nập chở về xuôi. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư tại Lào Cai đã có những chuyển biến rất tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và đầu tư tại địa bàn… tiếp tục khai thác mạnh hơn nữa ngành “công nghiệp không khói”, kinh tế du lịch - dịch vụ. Năm 2013, lượng du khách đến với Lào Cai đã vượt qua con số 1 triệu lượt người, dự báo tương lai sau 2 năm con số sẽ tăng gấp đôi và mục tiêu, kế hoạch đón 5 triệu lượt khách mỗi năm cũng được tính đến. Không dừng lại ở đó, các ngành kinh tế khác trên địa bàn Lào Cai như nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, viễn thông, giao thông - vận tải cũng đang chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phát triển nhằm phát huy lợi thế của tuyến huyết mạch giao thông quan trọng Nội Bài - Lào Cai.


Bài và ảnh: Viết Tôn