04:10 02/04/2020

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài, tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội, gây bất lợi cho các ngành nghề, lĩnh vực và việc làm.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã phải đóng cửa, doanh nghiệp sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, còn cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, bị ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề. Trước bối cảnh đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn…

Với 6.800 doanh nghiệp cùng 2,8 triệu lao động, ngành dệt may Việt Nam có quy mô tiêu thụ đạt khoảng 45 tỷ USD, trong đó năng lực tiêu thụ nội địa khoảng 5 tỷ USD, còn lại là xuất khẩu. Nhưng cũng bởi xuất khẩu là chủ yếu nên khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhất là những diễn biến mới tại châu Âu và Mỹ - các thị trường lớn của ngành Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đã lao đao. Nguồn cung nguyên vật liệu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng loạt đơn hàng bị thông báo tạm dừng, tạm hoãn, các doanh nghiệp dệt may buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn ca và kéo theo phản ứng dây chuyền là người lao động mất việc làm, đời sống thêm khó khăn.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Những áp lực đó đã khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua, phải đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và một số loại quỹ để dành nguồn lực hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.

Không chỉ ngành Dệt may “chao đảo” do dịch bệnh, dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuối tháng 3/2020 cho thấy, khoảng 3 triệu lao động và 200 ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mới đây Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… sẽ bị tác động mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh.

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao.

Trước những tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các mặt kinh tế - xã hội của dịch COVID-19, việc tăng "sức đề kháng" cho cộng đồng trở nên cấp bách hơn bao giờ. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch là nhiều chỉ thị, chính sách, giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, nhất là người lao động, của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
 
Ở góc độ an sinh xã hội, có thể thấy sự chia sẻ này từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong hướng dẫn thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, không tính lãi.

Hay trước kiến nghị về giảm áp lực, “gỡ khó” cho các doanh nghiệp dệt may của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhận định: “Ngành dệt may đang thu hút tới 2,8 triệu người lao động làm việc. Chưa kể sau họ còn có nhiều triệu người thân trong gia đình. Bởi vậy, những khó khăn của lao động ngành may tác động lớn tới xã hội”. Trên cơ sở đó, Bộ đã có những đề xuất chính sách, phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đứng vững, tiết kiệm được nguồn tiền hỗ trợ, giữ chân người lao động trong giai đoạn khó khăn trên cơ sở hỗ trợ kịp thời nhưng vẫn bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Và những đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn được vay tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đề xuất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chính sách tạm dừng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động…

Đáng chú ý là ngày 1/4, Chính phủ công bố gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Quy mô dự kiến của gói hỗ trợ là khoảng 61.580 tỷ đồng với gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng. Nguyên tắc hỗ trợ là hướng về đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực.

Có thể thấy tinh thần của gói hỗ trợ được Chính phủ đưa ra vào thời điểm này, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào chiều 1/4: “Việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần như một chiếc lò xo bị nén, chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng. Nếu dịch bệnh tiếp tục thì việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế”.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)