12:14 27/12/2010

Đồng euro năm 2010 và tương lai

Chưa khắc phục xong hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm 2010, châu Âu lại phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ailen.

Chưa khắc phục xong hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm 2010, châu Âu lại phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ailen. Châu Âu đã phải nỗ lực cứu giúp hai nước này, vì đây là những thách thức to lớn, đe dọa sự tồn tại của chính Liên minh châu Âu (EU).

Điểm lại tình hình trong năm qua và những bài học đối với châu Âu, Tiến sĩ Âu Dương Thệ ở Dortmund (Đức), cho biết ngay từ đầu năm đã xảy ra khủng hoảng lớn về tài chính ở Hy Lạp. Một số nước EU muốn cứu giúp, nhưng Đức, một đầu tàu kinh tế trong EU, lại lưỡng lự nên gây ra bất bình và tranh cãi trong nội bộ EU.


Sau đó các nước thành viên cũng nhất trí cứu Hy Lạp và thành lập một quĩ chung 750 tỉ euro để trợ giúp những nước thành viên gặp khó khăn về tài chính. Cuối năm lại xảy ra khủng hoảng tài chính ở Ailen, một nước từng được coi là phát triển thần kỳ về kinh tế và lần này các nước trong khu vực đồng euro đã nhanh chóng quyết định sử dụng tiền từ quĩ nói trên để bảo lãnh cho Ailen.

Khủng hoảng tài chính của Hy Lạp và Ailen tuy có một vài khác biệt, do đặc thù của từng nước, nhưng có những sai lầm chung khá rõ nét. Đó là chính quyền hai nước này quá dễ dãi trong chi tiêu ngân sách, trong khi các chính sách thuế khóa, lương bổng và ngân hàng quá lỏng lẻo. Kết quả là trong khi nhiều nước thành viên đã hoặc đang vượt qua được khó khăn do khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới gây ra, thì hai nước này lại rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Nếu nhìn chung trên thế giới thì trong thời gian qua không chỉ có đồng euro gặp khó khăn, mà cả đồng USD, đồng bảng Anh và đồng yên của Nhật Bản cũng có những vấn đề lớn. Tuy nhiên khác nhau căn bản giữa các đồng tiền này là USD, đồng bảng và yên là bản vị tiền tệ của các quốc gia độc lập có chính quyền Trung ương, nên việc giải quyết các khó khăn ít phức tạp hơn. Trái lại, đồng euro mới ra đời được 8 năm, là đồng tiền chung của 16 nước châu Âu, có chính sách về ngân sách, thuế khóa, ngân hàng độc lập và rất khác biệt nhau. Đây là khó khăn căn bản của đồng euro.

Người ta đang lo ngại rằng trong thời gian tới, Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha có thể rơi vào khủng hoảng giống như Hy Lạp và Ailen, vì các nước này đang bị thiếu hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy trầm và thất nghiệp cao. Đáng lo ngại nhất là Tây Ban Nha, một nước lớn và khá đông dân trong khu vực đồng euro.


Các nước thành viên và cơ quan có trách nhiệm của EU đang thảo luận về những giải pháp khả thi để giải quyết các trường hợp có thể xảy ra và ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Hai năm (2011 và 2012) có thể là thời gian thử thách gay go nhất cho số phận của đồng euro nói riêng và tương lai của EU nói chung, vì hai đầu tàu kinh tế và chính trị là Pháp và Đức bước vào các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, trong khi đây chính là thời điểm để các nước thành viên EU, đặc biệt hai đầu tàu Pháp và Đức, phải điều chỉnh, sửa chữa các khuyết điểm, khuyết tật của đồng euro và cơ cấu của EU.


Nói cách khác, các nước thành viên EU, đặc biệt các nước trong khu vực đồng euro, đang phải tiến hành song song hai lĩnh vực căn bản. Trước mắt cần tỉnh táo, vững vàng và rộng lượng giúp một số nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chính để chính quyền các nước này khôi phục niềm tin với người dân, từng bước phục hồi kinh tế, để qua đó lấy lại niềm tin cho đồng euro và ổn định xã hội ở châu Âu.


Đồng thời EU cũng phải tìm ra được những mô hình mới về tổ chức và quy trình ra quyết định, nhằm ngăn ngừa hữu hiệu nguy cơ tái diễn khủng hoảng, nghĩa là phải từng bước tiến tới có chung chính sách về kinh tế, ngân sách, thuế khóa giữa các nước trong khu vực đồng euro.

Dự báo về tương lai của đồng euro, Tiến sĩ Âu Dương Thệ cho rằng, đồng euro dù mới ra đời nhưng đang trở thành đồng tiền có uy tín trong giao dịch thương mại quốc tế. Khi mới ra đời năm 2002, một euro đổi được khoảng 0,8 USD, nay đã lên trên 1,30 USD. Xét trên nhiều phương diện, từ ý thức hệ đến chính trị và kinh tế, EU có nhiều ưu thế hơn một số khu vực hoặc cường quốc kinh tế khác.


Nhiều nước trong EU có ngành công nghiệp phát triển và tiềm năng tài chính lớn, đủ sức cạnh tranh thành công với các khu vực khác. Đa số trong gần nửa tỉ dân của EU có mức sống cao và được hưởng phúc lợi cao. Đối với nhiều nước trên thế giới, EU trở thành mẫu mực về nhiều khía cạnh. Cho nên sự tồn tại và vững vàng của đồng euro là mong muốn của đa số người dân châu Âu và cũng là nhu cầu quan trọng không chỉ trong EU mà cả nhiều khu vực khác trên thế giới.

Tiến trình toàn cầu hóa đã trải qua khoảng 2 thập niên và được coi là không thể đảo ngược vì các liên hệ kinh tế - tài chính và truyền thông điện tử ngày càng mật thiết giữa các nước và các khu vực. Ngoài siêu cường quân sự Mỹ, các trung tâm quyền lực mới về kinh tế - tài chính đang hình thành, trong đó EU là một trung tâm quan trọng nhờ vai trò kinh tế - tài chính và ngoại giao, trong đó đồng euro đóng một vai trò quan trọng.


Xét tất cả các yếu tố đó, người ta có quyền lạc quan về vai trò của EU và đồng euro trong tiến trình hòa bình, dân chủ, tự do và thịnh vượng ở châu Âu và trên thế giới. Người ta có quyền hy vọng rằng các chính khách của EU sẽ sáng suốt thấy rõ sứ mạng và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết những khó khăn của đồng euro. Kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 16-17/12 vừa qua ở Brúcxen (Bỉ) đã cho thấy hướng đi này.

TTK