03:16 11/03/2011

Động đất ở Nhật Bản: Sống trong kinh hoàng

Tôi sống và làm việc ở Nhật Bản đã được hơn 2 năm. Có lẽ do sống ở đây trong khoảng thời gian tương đối dài nên cũng như nhiều người Nhật khác, tôi có cảm giác “chai lì” với động đất - một trong những đặc sản của đất nước “Mặt trời mọc”.

Tôi sống và làm việc ở Nhật Bản đã được hơn 2 năm. Có lẽ do sống ở đây trong khoảng thời gian tương đối dài nên cũng như nhiều người Nhật khác, tôi có cảm giác “chai lì” với động đất - một trong những đặc sản của đất nước “Mặt trời mọc”.

Tuy nhiên, trận động đất kinh hoàng vào chiều ngày 11/3 đã làm thay đổi suy nghĩ này.

Sân bay Sendai khi sóng thần tràn qua


Trận động đất có cường độ ước tính lên tới 8,9 độ Ríchte này đã làm rung chuyển khu vực phía bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tôkiô và các tỉnh phụ cận.

Sóng thần tràn vào Nhật Bản


Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trận động đất này bắt đầu từ khoảng 12 giờ 46 ngày 11/3 (giờ Việt Nam) và kéo dài tới vài phút. Tâm chấn nằm cách tỉnh Miyagi, phía đông bắc Nhật Bản, 130km.


Một đám cháy ở Tôkyô sau trận động đất


Khi động đất mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng nó cũng như bao trận động đất khác trước đây bởi vì, vị trị địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều động đất và sóng thần nhất trên thế giới.

 Mỗi năm, Nhật Bản phải chịu 7.500 trận động đất nhẹ, riêng Tôkiô có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ và không thể nhận ra nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Và trận động đất vừa qua là một trong số các trận động đất như vậy.

Người dân đổ xô ra đường phố ở Tôkyô


Tôi đã thực sự sợ hãi khi mọi thứ quanh tôi bắt đầu rung lắc mạnh. Các đồ vật trên tủ và trên bàn làm việc rơi tứ tung. Tiếng bát đũa, cốc chén vỡ loảng xoảng ở trong bếp khiến tôi càng lo sợ hơn mặc dù ngay sau khi sang Nhật Bản, tôi đã đọc các hướng dẫn chi tiết những hành động cần thiết khi xảy ra động đất ở nơi đăng ký cư trú của quận Shibuya (trung tâm thủ đô Tôkiô) và trên các website của Nhật Bản.

Sơ đồ vị trí tâm chấn trận động đất


Tôi nhớ lại rằng kể từ sau trận động đất Kanto chết chóc năm 1923, tới nay Nhật Bản đã phải trải qua 16 vụ động đất và sóng thần. Vụ sóng thần khủng khiếp gần đây nhất xảy ra năm 1993 là hậu quả của trận động đất 7,8 độ Richter ở ngoài khơi phía tây nam đảo Hokkaido.

Khi tràn tới hòn đảo nhỏ Okushiru, con sóng thần cao tới 30m và di chuyển với vận tốc vào khoảng 500 km/giờ, đã gây ra thiệt hại trên diện rộng, làm 230 người thiệt mạng và phá hủy 601 ngôi nhà. Vì vậy, tôi đã chui ngay vào gầm bàn để tránh các đồ vật có thể rơi vào.

Theo thông tin tôi có được, ngay sau trận động đất, sóng thần đã xuất hiện ở một số khu vực bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, trong đó riêng ở tỉnh Iwate, sóng thần có nơi cao tới 4m. Động đất mạnh đã khiến nhiều tuyến tàu cao tốc của Nhật Bản bị ngừng hoạt động và khiến nhiều nhà máy điện hạt nhân ở các tỉnh Miyagi và Fukushima tạm ngừng hoạt động.

Thành phố Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, và một phần thủ đô Tôkiô đã bị mất điện. Các đám cháy đã xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên đảo Honshu, trong đó có thủ đô Tôkiô và tỉnh Miyagi. Sân bay quốc tế Narita ở thủ đô Tôkiô đã tạm thời đóng cửa để kiểm tra đường băng. Số lượng thương vong ở tỉnh Miyagi và trung tâm thủ đô Tôkiô chắc chắn sẽ rất lớn.

Trong lúc tôi viết bài này, các rung chấn mạnh vẫn đang tiếp tục làm rung chuyển thủ đô Tôkiô. Điều này khiến tôi và nhiều người khác phải sống trong tâm lý bất an. Những người hàng xóm Nhật Bản quanh tôi đã thu xếp đồ đạc và chạy ra khỏi nhà để chuẩn bị tới nơi sơ tán khi cần thiết.

Nhiều lúc, tôi cũng muốn bỏ chạy như họ và tìm tới nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, khi nghĩ tới công việc mình đang làm như “một người chiến sĩ không thể bỏ chốt”, tôi vẫn quyết tâm ở lại để kịp thời cập nhật các thông tin mới nhất về sự kiện này.

Ngay sau khi động đất xảy ra, chính phủ Nhật Bản đã thành lập nhóm quản lý thảm họa có trụ sở đặt tại Văn phòng Thủ tướng để thu thập thông tin về trận động đất này và xử lý các thảm họa có thể có. Tất cả các thành viên nội các đã được triệu tập tới Văn phòng Thủ tướng.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã triển khai các máy bay để kiểm tra các thiệt hại do trận động đất này gây ra, trong khi các tàu quân sự ở căn cứ Yokosuka, cách thủ đô Tôkiô khoảng 40km, đã được lệnh tới tỉnh Miyagi.

Thanh Tùng (P/v TTXVN) tường trình từ Tôkyô

Độc giả tiếp tục ấn F5 để cập nhập thêm thông tin