04:17 28/04/2022

Đồng chí Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2/5/1917-2/5/2022), chiều 28/4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Văn Tiến Dũng-Nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002), nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Ông đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã, trong đó tiêu biểu nhất là chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm xưởng in Quân đội (1983). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội. Trải qua những năm tháng gian lao thời niên thiếu, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng giành thắng lợi như: Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948; Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974; là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa III đến khóa V.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có sự nghiệp vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Những dấu ấn và đóng góp của đồng chí Văn Tiến Dũng với Đảng và cách mạng Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, lưu giữ và học tập những di sản vô giá của đồng chí Văn Tiến Dũng là việc làm thiết thực tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần truyền thụ kinh nghiệm và bồi đắp truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tập trung thảo luận, làm rõ những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Văn Tiến Dũng, các đại biểu dự Tọa đàm đều nhất trí cho rằng, trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Văn Tiến Dũng là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược.

Là người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quý báu cho phong trào cách mạng của Thủ đô. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang là dấu ấn không thể quên của đồng chí.

Đánh giá về những hoạt động và cống hiến của đồng chí Văn Tiến Dũng với phong trào công nhân Hà Nội (1936-1939), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng cho biết, cuối năm 1936, được lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, đồng chí Văn Tiến Dũng được giác ngộ cách mạng, đứng ra tuyên truyền, vận động, tổ chức anh chị em thợ ở xưởng dệt Cự Chung, Đức Xương Long (phố Hàng Bông), Thanh Văn (phố Hàng Đào) tiến hành bãi công tập thể đòi ngày làm việc 8 giờ, được nghỉ ngày chủ nhật, tăng lương.

Cuộc bãi công đã giành được thắng lợi, đời sống của công nhân ở các xưởng dệt được cải thiện. Tháng 11/1937, đồng chí Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên) thay mặt tổ chức Đảng đã bí mật đứng ra kết nạp đồng chí Văn Tiến Dũng vào Đảng cộng sản Đông Dương. Sau khi trở thành đảng viên, đồng chí Văn Tiến Dũng được phân công đảm nhận công việc ở Hội ái hữu thợ dệt Hà Nội.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, phong trào công nhân Hà Nội liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh tập trung vào những vấn đề cấp thiết về đời sống: Đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải thợ, thành lập các hội ái hữu, hiếu hỷ, đội bóng đá, giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng. Phong trào công nhân đã triệt để lợi dụng thời cơ được hoạt động công khai để mở rộng tổ chức của mình, lập các hội ái hữu phát triển khá sâu rộng và vững chắc. Tinh thần đấu tranh của công nhân đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân lao động và các giới trong toàn thành phố.

Đỉnh cao của Phong trào công nhân Hà Nội, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư và Thành ủy Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã tham gia lãnh đạo quần chúng tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng với trên 2 vạn công nhân lao động Hà Nội và đại biểu các tỉnh lân cận tham dự. Bước sang năm 1939, nhân sự kiện nhà yêu nước tiến bộ Phan Thanh qua đời, Đảng tổ chức đám tang trọng thể có hàng vạn thợ thuyền, lao động và thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia, nhiều khẩu hiệu tự do, cơm áo, hòa bình được vang lên trong lễ truy điệu. Ngay sau đó, các cuộc đấu tranh của công nhân Hà Nội diễn ra với nhiều hình thức... Thắng lợi từ những cuộc đấu tranh của phong trào công nhân Hà Nội thời kỳ (1936-1939) là thắng lợi của sự chỉ đạo vừa cương quyết, vừa vận dụng khéo léo các hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp, phát huy được sức mạnh của lực lượng công nhân, tinh thần đoàn kết giữa thợ thủ công và nông dân, giữa lực lượng cách mạng địa phương và lực lượng cách mạng ở Hà Nội và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu dự Tọa đàm cũng cho rằng, đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội ta, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Văn Tiến Dũng là một di sản tinh thần quý báu của Đảng, quân đội và nhân dân ta.

Thu Phương (TTXVN)