03:18 07/03/2016

Đồng chí Trần Đại Quang kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Tây Nguyên

Chiều 7/3, BCĐ Tây Nguyên tổ chức Hội nghị kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác phòng, chống hạn trên địa bàn Tây Nguyên.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội nghị. 

Đồng chí Trần Đại Quang đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp MTTQ, các đoàn thể trong công tác vận động nhân dân bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, buôn làng. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện đấu tranh kịp thời với các tổ chức, cá nhân hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin làm ảnh hưởng đến nhận thức về đường lối và nhân sự tham gia Quốc hội và HĐND các cấp; tập trung đảm bảo an ninh nông thôn, nhất là giải quyết những khó khăn về sản xuất, đời sống, bức xúc của dân.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đồng chí Trần Đại Quang cũng đề nghị các cấp uỷ, chính quyền các cấp vùng Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản liên quan đến cuộc bầu cử; chuẩn bị, tổ chức thật tốt hội nghị hiệp thương vòng 2, vòng 3 theo đúng quy định của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND đảm bảo bầu đúng số lượng, đúng tiêu chuẩn, có cơ cấu hợp lý, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị…

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và khốc liệt ở Tây Nguyên, đồng chí Trần Đại Quang cũng đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn. Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.. Những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho nhân dân, kiên quyết không để cho người dân thiếu nước dùng hàng ngày, không để trâu, bò chết vì thiếu nước; cố gắng đến mức cao nhất duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống ở những nơi tập trung đông dân cư. Đối với các nhà máy thuỷ điện tuy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát điện nhưng vẫn phải ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng quy định, đảm bảo nước sinh hoạt cho người vùng hạ du. Đồng thời thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhất là phân phối, điều tiết nước hợp lý ở các công trình thuỷ lợi, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm nhiều diện tích cây trồng được tưới. Bên cạnh đó, khẩn trương tu bổ, nạo vét kênh mương, sửa chữa các hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, hỗ trợ nông dân mua máy bơm, nhiên liệu tưới bổ sung cho những diện tích không thể điều tiết qua các công trình thủy lợi, đẩy mạnh công tác phòng chống cháy rừng, thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế.

Về lâu dài, đồng chí Trần Đại Quang đề nghị, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thủy lợi, đề xuất các giải pháp hiệu quả về phát triển nguồn nước, lưu giữ nước vào mùa khô, xây dựng các dự án tưới tiên tiến phục vụ lâu dài cho tưới cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê…Đồng thời nghiên cứu, xây dựng nhằm hoàn thiện cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các vùng sinh thái đặc thù, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không đảm bảo nước tưới, chuyển đất nương rẫy kém bền vững sang sản xuất nông lâm kết hợp trên cơ sở phát triển kỹ thuật canh tác tổng hợp, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên đất và tài nguyên nước…

Đến nay, tất cả các văn bản, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp đã được các tỉnh vùng Tây Nguyên quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các tỉnh đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Kết quả hiệp thương phản ánh chất lượng đại biểu ứng cử đạt yêu cầu về tuổi đời, phẩm chất, trình độ học vấn. Tỷ lệ ứng cử viên nữ, người dân tộc thiểu số, ngoài Đảng…về cơ bản bám sát yêu cầu đặc thù của địa phương.

Đối với tình hình khô hạn mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng hạn hán ở Tây Nguyên đã diễn ra khá nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất ở các địa bàn các huyện Mang Yang, Chư Sê, Phư Pưh, Krông Pa, Kon Chro, Ia Pa, Đắk Pơ, thị xã An Khê (Gia Lai), buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar, M’Drắk (Đắk Lắk), Đắk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông (Kon Tum), Cư Yút, Đắk Mil, Krông Nô (Đắk Nông) và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương nêu trên ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, đến cuối tháng 2/2016, toàn vùng đã có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất, trên 1.100 lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới, chủ yếu là cà phê và hồ tiêu.

Dự báo trong 2 tháng đến, nền nhiệt ở Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn. Có nhiều khả năng các hồ chứa thủy điện lớn ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk mực nước giảm xuống rất thấp và không đủ nước chạy máy, khoảng 150.000 ha cây trồng thiếu nước tưới và trên 34.000 hộ thiếu nước sinh hoạt và nhiều gia súc không đủ nước uống. Hạn hán kéo dài cũng sẽ làm cho tình hình thiếu đói giáp hạt ở các địa bàn nông thôn tăng lên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư đến ngoài kế hoạch ở các huyện phía Đông Trường Sơn.

Nguy cơ cháy rừng ở vùng Tây Nguyên cũng diễn ra khá cao, nhiều nơi đang ở mức báo động cấp 4, cấp 5, tập trung tại một số khu vực trọng điểm như vườn quốc gia Yok Đôn, huyện M’Đrắk, Ea H’Leo (Đắk Lắk), Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đắk Hà (Kon Tum), Chư Prông, Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa (Gia Lai) và phần lớn các huyện, thị, thành phố của hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng…

Quang Huy (TTXVN)