12:13 25/12/2018

Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đổi mới

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày sinh đồng chí Phan Văn Khải (25/12/1933 – 25/12/2018), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đổi mới”, để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến của đồng chí Phan Văn Khải với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phan Văn Khải dự khánh thành cầu Tân Đệ qua sông Hồng, nối liền hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, ngày 8/2/2002. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tâm huyết với sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, đồng chí tham gia Đội thiếu nhi cứu quốc xã. Tháng 7/1959, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, từ khi tham gia phong trào cách mạng đến khi đảm nhiệm cương vị đứng đầu Chính phủ, cuộc đời của đồng chí Phan Văn Khải gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định: Trên các cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Người góp phần thiết kế và triển khai đường lối đổi mới

Năm 1986, trước yêu cầu phát triển của đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới. Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khải đã nắm bắt xu thế khách quan và là một trong những người đi đầu hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi được Bộ Chính trị điều động ra Trung ương đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và đến tháng 9/1997 là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã tích cực tham gia quá trình thiết kế, hình thành đường lối đổi mới và cùng Chính phủ cụ thể hóa đường lối đó trong thực tiễn.

Đồng chí Phan Văn Khải là một trong những người đi tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển. Đây là dấu ấn sâu đậm đối với người dân cả nước, đặc biệt là các doanh nhân Việt Nam. Tên gọi anh Sáu Khải trở nên gần gũi, thân thương, là người đồng hành cùng với các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trẻ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ; chỉ đạo khẩn trương soạn thảo Luật Doanh nghiệp để Quốc hội cho ý kiến thông qua. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2005, cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, góp phần to lớn vào việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân trong nước, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2002, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chú trọng tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ chủ trương thực hiện cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính. Chính phủ đã chỉ đạo xóa bỏ nhiều loại “giấy phép mẹ”, “giấy phép con”, tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng chí trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nhờ những quyết sách phù hợp với quy luật kinh tế, các doanh nghiệp đã trở nên ổn định, phát triển, giúp nền kinh tế Việt Nam dần thoát ra khỏi khủng hoảng.

Cùng với việc thiết kế và tích cực triển khai đường lối đổi mới, đồng chí Phan Văn Khải còn là một trong những nhà lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện những công trình giao thông trọng điểm gắn liền với lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước như: Cầu Thuận Phước nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân nằm ở cửa biển Đà Nẵng; cầu Cần Thơ, cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 7 thế giới, nối liền giao thông các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, tạo nên sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; cầu Vĩnh Tuy nằm trên đường vành đai 2, nối với Quốc lộ 5.

Những hoạt động tích cực, không ngừng nghỉ của đồng chí Phan Văn Khải đã góp phần thiết kế và tích cực triển khai đường lối đổi mới, đưa đất nước ngày càng vững bước đi lên.

Nhớ lại những kỷ niệm quý báu của mình với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Kiều Đình Thụ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Trợ lý Thủ tướng Phan Văn Khải  cho biết: Thủ tướng Phan Văn Khải luôn trăn trở, suy nghĩ về sự phát triển của đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế, về nâng cao đời sống của nhân dân; lắng nghe những ý kiến đóng góp, những đề xuất vì sự phát triển và hết mình vì công việc chung.

Đồng chí đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh Chính phủ phải đương đầu với cuộc khung hoảng kinh tế trầm trọng ở châu Á, khi đó nước ta chưa hội nhập sâu rộng như hiện nay nhưng cũng hứng chịu những tác động rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Trong hoàn cảnh đó, đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp đặc biệt từ sáng sớm, để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, sau đó quay về xử lý công việc theo lịch trình. Nhờ giải quyết công việc rốt ráo như vậy, Chính phủ đã chèo lái đưa nền kinh tế thoát ra khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á.

Góp phần đưa đất nước hội nhập và phát triển

Các đại biểu dự Tọa đàm nhất trí cho rằng, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phan Văn Khải là người đầu tiên tham gia vào quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Năm 1991-1992, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị tài trợ quốc tế tại Paris; trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc đàm phán với Câu lạc bộ London, Câu lạc bộ Paris để giải quyết các vấn đề nợ của Việt Nam. Đây là bước đột phá mở đầu ra thế giới bên ngoài, mở ra một kênh rất quan trọng là thu hút vốn ODA quốc tế.

Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Diễn đàn đã thúc đẩy Việt Nam tiến bước mạnh mẽ đến hội nhập và hoạt động trong APEC.

Đặc biệt, năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ, đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh. Chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang một giai đoạn mới.

Chuyến thăm chính thức xác lập vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; đồng thời, tạo nền tảng cho những ký kết được tiến hành trong những năm tiếp theo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, tiến tới đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngay sau chuyến thăm chính thức Mỹ, đồng chí Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Hai chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại thành công về nhiều mặt: nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hút vốn viện trợ phát triển vào Việt Nam.

Qua hoạt động đối ngoại này của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại với quy mô đông đảo, đa dạng nhất cùng các mối liên kết hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước, tạo nền tảng thúc đẩy trao đổi mậu dịch và đầu tư vào Việt Nam tăng cao trong các giai đoạn tiếp theo.

Là người cán bộ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, luôn gần gũi với nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, thời kỳ đồng chí Phan Văn Khải đảm nhiệm cương vị Thủ tướng (từ ngày 25/9/1997 đến 27/6/2006), Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 8%, lạm phát dưới 10%, kinh tế vĩ mô ổn định. Vị thế đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Đây là thành quả quan trọng tạo cơ sở cho sự phát triển đất nước trong những giai đoạn tiếp theo.

Công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt là về tư duy lãnh đạo, quản lý và nhân cách, lẽ sống của Thủ tướng Phan Văn Khải luôn là tấm gương sáng, là bài học quý báu của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thu Phương (TTXVN)