06:16 10/06/2015

‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’ có nguy cơ ‘đóng băng’ vô thời hạn

Những diễn biến mới sau khi cuộc bầu cử Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đẩy “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” vào thế bế tắc mới.

Những diễn biến mới sau khi cuộc bầu cử Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đẩy “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” vào thế bế tắc mới.

Trong vòng 45 ngày tới, Thủ tướng Ahmet Davutoglu sẽ phải tìm cách thành lập được một chính phủ mới. Dù các đảng phái chính trị bày tỏ không có dự định tham gia vào chính phủ liên minh do đảng Công lý và Phát triển (AKP) đứng đầu, ông Davutoglu tuyên bố vẫn sẽ khởi động tiến trình đàm phán với lãnh đạo các đảng có chân trong Quốc hội. Giới phân tích chính trị nhìn nhận, 45 ngày này sẽ là quãng thời gian quan trọng nhất đối với lịch sử hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không lập được chính phủ, sẽ phải tiến hành bầu cử lại.

Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được tuyên bố trong chuyến thăm Thổ Nhĩ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tháng 12/2014. Ảnh: Reuters


Dưới sự lãnh đạo của AKP, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, năng lượng – đó là một thực tế. Thế nhưng, một số đảng phái khác như đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), Phong trào dân tộc chủ nghĩa (MHP) thì luôn lên tiếng phản đối việc thực thi một số dự án lớn tại Thổ Nhĩ kỳ. Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thì thậm chí còn chưa bao giờ tỏ ra quan tâm thảo luận về các dự án kinh tế.

Thủ tướng Davutoglu, theo chỉ định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về thành lập chính phủ, đã đặt ra 3 ưu tiên chính cho nội các mới: Đẩy lui phong trào tôn giáo của nhà truyền đạo Fethullah Gulen; xử lý các vấn đề dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là những vấn đề pháp lý liên quan đến địa vị, quyền lực của Tổng thống. Điều đáng lưu ý là các dự án năng lượng lớn đã không được nhắc tới trong các ưu tiên này và số phận các dự án từng được xem xét, triển khai dưới thời đảng AKP nắm quyền đang bị đặt dấu hỏi lớn.

“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” không nằm ngoài số này. Đã có nhiều trở ngại đối với việc triển khai dự án này trên phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả là dưới thời đảng AKP cầm quyền. Đó là việc Nga tuyên bố sẽ khởi công dự án, nhưng điều này không có nghĩa là Ankara phải có trách nhiệm ràng buộc theo đuổi, thực hiện. Kế đến, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hiện vẫn chưa đệ trình kế hoạch lên Cơ quan giám sát thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc phía Nga sẽ chưa thể có giấy phép về bán hay trung chuyển dầu lửa, khí đốt qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, Bộ Năng lượng và Quản lý đô thị Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng chưa nhận được yêu cầu từ Gazprom về đánh giá tác động môi trường của dự án.

Nga đặt rất nhiều hy vọng vào tuyến đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika


Trong bối cảnh chính phủ mới vẫn chưa được thành lập, chưa thể biết các chính đảng khác có tham gia liên minh hay không, thì việc triển khai “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể bị hoãn vô thời hạn. Yếu tố "ngáng đường" nằm ở chỗ, phe đối lập luôn phản đối các dự án lớn do chính phủ của đảng AKP cầm quyền triển khai. Đó là dự án xây dựng sân bay quốc tế ở Istanbul (22,125 tỉ euro), các cây cầu nối eo Bosporus vớie Dardanelles, tuyến đường hầm xuyên biển Á-Âu chạy xuyên qua eo Bosporus và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” khi đó sẽ chịu tác động lan truyền.

Mức độ phản đối có thể sẽ tăng lên nhiều, nếu như phe đối lập quyết thực hiện mục tiêu tạo lập liên minh 3 đảng MHP, HDP và CHP. Sezgin Tanrikulu, Phó Chủ tịch cấp cao CHP ngày 9/6 nói rằng, đảng này đang tính đến việc lập chính phủ liên minh với HDP và CHP mà không có sự tham gia của AKP. “Trong chính trị, không có điều gì là không thể. Mọi cánh cửa đều để ngỏ. Chúng tôi không có thái độ đối lập nhau, tiếp cận nhau  theo một cách thức xây dựng”, ông Tanrinkulu bày tỏ.

Về phần mình, Gazprom cho biết sẽ cho đặt những mét đường ống đầu tiên của dự án vào cuối tháng này, kể cả khi chưa nhận được sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Erdogan có thể sẽ có cuộc thảo luận về “Dòng chảy phương Nam” tại Baku (Azerbaijan) ngay trong tuần này, khi hai nhà lãnh đạo tới tham dự Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Âu lần thứ nhất (12-28/6).
Hoài Thanh (Theo Trend.az, Turkish Weekly)