02:15 14/02/2015

Đồng bào Tây Nguyên vượt khó đi lên

Năm 2014, mặc dù gặp nhiều bất lợi của thời tiết nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giữ vững ổn định chính trị, xã hội...

Năm 2014, mặc dù gặp nhiều bất lợi của thời tiết nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.

Thu nhập bình quân đầu người tăng 13,03%

Theo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn năm 2014 đạt trên 192.691 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu GDP của các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch theo hướng tích cực. GDP bình quân đầu người/năm đạt gần 34,8 triệu đồng tăng 13,03% (4,01 triệu đồng) so với năm ngoái. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 65.782 tỷ đồng.

Ngày 25/1, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đến thăm và tặng quà Tết cho đồng bào buôn Păn Lăm và buôn Ko Siêr thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Huy – TTXVN


Công tác thu ngân sách trên địa bàn Tây Nguyên được các ngành, các địa phương tập trung vào các lĩnh vực thu, thực hiện tốt công tác quản lý và có biện pháp điều chỉnh phù hợp để tránh thất thu thuế, đôn đốc, xử lý tình trạng nợ đọng thuế kéo dài. Nhờ vậy, mặc dù bị ảnh hưởng do thực hiện chính sách miễn, giảm một số sắc thuế, giảm tiền thuê đất, không có nguồn thu từ kinh doanh nông sản nhưng các tỉnh Tây Nguyên vẫn thu ngân sách tăng 9,01% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, đạt kim ngạch trên 2.511 triệu USD, tăng gần 50% so cùng kỳ. Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt khá… Đặc biệt, dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh chạy qua Tây Nguyên, ngay sau khi có chủ trương của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đầu tư nâng cấp 553 km còn lại trên toàn tuyến (từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Đến nay việc triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả khả quan. 13 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 đã cơ bản hoàn thành, 5 dự án BOT đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong hai năm 2015 - 2016, 6 dự án trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ 10.781 tỷ đồng để đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Bộ GTVT, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban sản xuất tại hiện trường hàng tháng, hàng quý để nắm bắt, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Hiện nay, các nhà thầu, các chủ đầu tư đã tăng cường đầy đủ các thiết bị, máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước ngày 30/6/2015, vượt kế hoạch trước 6 tháng.

Nâng cao đời sống người dân


Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng tập trung giải quyết tồn đọng tại các dự án thủy điện về đền bù, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc ở một số dự án thủy điện như Thượng Kon Tum, Đắk Đrinh, An Khê - Ka Nak. Tại một số thủy điện khác như Đồng Nai 3, Sêrêpốk 4… công tác đền bù, hỗ trợ sản xuất, đời sống của người dân đã được thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt và hiện nay đã giảm được một phần những bức xúc, kiến nghị kéo dài. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả, góp phần làm chuyển biến đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được nhiều địa phương quan tâm, chăn nuôi ở nhiều địa phương đã chuyển dần từ nhỏ lẻ lên quy mô trang trại. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 593 xã đã lập và phê duyệt đề án chương trình xây dựng nông thôn mới (đạt 99,3%).

Ngày 25/1, tại Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp bảo đảm an ninh biên giới khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên bước đầu có chuyển biến, nhất là quản lý rừng bền vững và bảo vệ rừng. Nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép đã bị xóa bỏ. Tuy nắng hạn kéo dài nhưng tình hình phá rừng, cháy rừng đã được kiềm chế, diện tích rừng trồng mới đạt khá.

Năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên huy động trên 24.224 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên 1.045 mô hình sản xuất có hiệu quả. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 33 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới, chiếm 5,53%, số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí có 49 xã, chiếm 8,21% trong tổng số xã trong toàn vùng, còn lại các xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí… Các tiêu chí về điện, trường học, chợ nông thôn đạt khá so với mức trung bình của cả nước.

Hiện nay, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đang thụ hưởng nhiều chính sách tín dụng lớn của Nhà nước và một số chương trình do ngân sách của địa phương, với tổng dư nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các vùng đặc biệt khó khăn, cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tập trung các nguồn lực giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào các DTTS nghèo thiếu hoặc không có đất sản xuất. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đào tạo nghề cho trên 168.000 người, nhất là lao động thuộc đồng bào DTTS, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục kiểm tra, thống kê, xác định rõ từng vùng, từng hộ gia đình thiếu đất sản xuất, đất ở để có biện pháp thu hồi đất của các doanh nghiệp nông, lâm trường sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả cấp cho đồng bào. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng của Nhà nước… nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc nghèo ở Tây Nguyên được thụ hưởng các chính sách đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; phấn đấu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên.

Bước sang năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên ra sức củng cố khối đại đoàn kết, phát huy thế mạnh, nội lực, tạo thế liên kết vùng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Quang Huy