06:23 02/06/2013

Đồng bào khát vốn, tiền tỷ nằm “kho”

Việc thực hiện hỗ trợ đồng bào đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm theo Quyết định 74/QĐ-TTg tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều vướng mắc.

Việc thực hiện hỗ trợ đồng bào đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm theo Quyết định 74/QĐ-TTg tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều vướng mắc.

 

Nhiều bất cập


Đối với một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu, hơn 90% nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất đều dựa vào vốn vay ngân hàng hoặc các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nông dân nghèo luôn trong tình trạng “khát vốn”. Vậy mà tình trạng tiền tỷ nằm đợi cơ chế mới vẫn tồn tại.


 

Quy trình sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nam Bộ bao giờ mới được cơ giới hóa toàn bộ.

Điển hình như ở huyện Hồng Dân. Là một huyện nghèo, vì vậy khi có Quyết định 74/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010, nông dân ở đây rất phấn khởi. Song, thật đáng buồn là tuy đã được triển khai thực hiện, nhưng đến nay chương trình này vẫn chưa hoàn thành.


Ông Danh Cáo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, cho biết: “Địa phương không có quỹ đất nên muốn thực hiện theo đúng Quyết định 74 thì phải mua đất của dân. Nhưng với mức quy định giá đất ở 10 triệu đồng/hộ và đất sản xuất 8 triệu đồng/hộ thì làm sao mua được. Bây giờ, đất nông nghiệp rẻ nhất cũng từ 40 - 50 triệu đồng/công. Mức hỗ trợ này quá thấp so với giá thực tế. Vì vậy, vốn giao từ năm 2011 cho đến nay vẫn còn hơn 10 tỷ đồng”.
Thực hiện Quyết định 74 từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bạc Liêu mới chỉ giải ngân hơn 23,65 tỷ đồng, đạt 39,42% so với kế hoạch. Còn hơn 36,34 tỷ đồng vẫn cũng nằm trong tình trạng “đóng băng” chờ Thủ tướng ban hành chính sách mới để tiếp tục triển khai.


Còn ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ việc mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất cũng gặp khó khi mức hỗ trợ tối đa theo quy định này chỉ 13 triệu đồng (3 triệu hỗ trợ, 10 triệu đồng vay tín chấp với lãi suất 0% trong vòng 3 năm) không đủ để mua máy gặt đập liên hợp, bởi giá của nó là gần 400 triệu đồng. Nông dân làm hồ sơ vay vốn theo hình thức thế chấp (ruộng) nhưng cũng không xong vì Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ duyệt cho vay 500.000 đồng/1.000 m2. Như vậy, để thế chấp mua được một máy gặt đập liên hợp thì nông dân phải có cả trăm mét vuông ruộng.

 

Khó giải ngân


Toàn khu vực ĐBSCL có đến 4 triệu ha đất gieo trồng, chiếm hơn 50% sản lượng lúa của cả nước. Thế nhưng, quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn rất thấp. Để thực hiện cơ giới người dân không thể tự gánh vác mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nông dân vùng sâu vùng xa, vùng DTTS. Chương trình hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất theo Quyết định 74 được triển khai hơn 5 năm, nhưng gần như đều vướng mắc ở tất cả các địa phương trong quá trình thực hiện.


Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Quyết định 74, tỉnh được giao gần trên 500 tỷ đồng, nhưng đến năm 2012 mới giải ngân được 212 tỷ đồng. Trong khi phần lớn nguồn vốn hỗ trợ đất sản xuất không thể giải ngân (do giá đất quá cao) thì hợp phần hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng ứ đọng. Mực dù tỉnh đã nỗ lực bố trí giải ngân nguồn vốn hỗ trợ nông dân mua máy móc, nông cụ để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn rất khó thực hiện vì vốn hỗ trợ quá thấp, lại không kịp thời, nên không đáp ứng được nhu cầu, mục đích vay vốn của người dân”. Phó Chủ tịch Lâm Văn Mẫn dẫn chứng: “Chỉ riêng một cái máy cày bình thường, nếu mua mới cũng gần 20 triệu đồng. Trong khi đó vốn vay tối đa chỉ 13 triệu đồng, do vậy mà người dân gần như không mặn mà với chính sách hỗ trợ này”.


“Đụng đâu vướng đó” đang là thực trạng đáng lưu tâm trong việc triển khai thực hiện các hợp phần hỗ trợ theo Quyết định 74 ở các địa phương khu vực Tây Nam Bộ. Không bàn việc hỗ trợ đất sản xuất vì có thể do yếu tố khách quan (giá đất quá cao), còn hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề và mua sắm nông cụ, máy móc sản xuất nông nghiệp lại cũng thực hiện không đạt. Trong khi đó, người dân, nhất là đồng bào DTTS, rất cần tiếp cận các nguồn vốn để thoát nghèo, phát triển sản xuất thì hàng trăm tỷ đồng vẫn nằm trong kho bạc, không thể giải ngân.


Bài và ảnh: Nguyễn Đức