06:13 19/06/2017

Đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng, người lao động có đuợc hưởng lương hưu?

“Tôi có chuyển vị trí làm việc đối với vài công ty. Quá trình chuyển làm giữa các doanh nghiệp cũng đứt quãng vài năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng tổng thời gian đóng là 24 năm. Năm nay 59 tuổi, vậy nếu nghỉ hưu, tôi có được hưởng chế độ hưu trí không?”, một bạn đọc đặt câu hỏi.

Giao dịch tại Bảo hiểm Xã hội huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Về vấn đề này, khoản 5, Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.


Về điều kiện hưởng lương hưu cũng không có quy định nào buộc người tham gia bảo hiểm phải đóng bảo hiểm liên tục. Vậy việc bạn đọc đóng bảo hiểm ngắt quãng sẽ không ảnh hưởng đến chế độ hưu trí sau này.


Tuy nhiên, Điều 54 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng lương hưu có liên quan đến độ tuổi. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; c) người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.


Như vậy, nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì bạn chưa đủ tuổi nghỉ hưu; nhưng nếu làm việc trong các ngành nghề độc hại thì căn cứ theo quy định về năm trên, bạn đọc có thể xác định được đã đủ điều kiện để nghỉ hưu hay chưa.


XC/ Báo Tin Tức