05:22 20/05/2015

Đóng bảo hiểm hưởng lương hưu lợi hơn lĩnh một lần

Liên quan đến quy định tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) khẳng định sẽ lợi hơn nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Liên quan đến quy định tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) khẳng định sẽ lợi hơn nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Nếu không tính tới yếu tố trượt giá, số tiền được lĩnh khi nghỉ hưu gấp 4 - 5 lần nếu lĩnh một lần.

Lo ngại sự trượt giá

Trao đổi với công nhân một số khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) lao động xung quanh quy định của Điều 60 của Luật BHXH, nhiều người cho biết lo ngại nhất là sự trượt giá nếu đợi đủ tuổi nghỉ hưu mới lĩnh lương hưu. Chị Nguyễn Thị Hòa (quê Thanh Hóa), đang là công nhân tại doanh nghiệp ở Bình Dương chia sẻ: “Với những công nhân ít đòi hỏi kỹ năng nghề, thường thì đến 30 tuổi, cùng lắm đến 35 là sẽ không được tuyển dụng. Nếu không tiếp tục đóng, nữ như tôi phải đợi đến 55 tuổi mới lĩnh lương hưu thì lúc đó số tiền lĩnh sẽ còn rất ít nếu lạm phát, trượt giá. Do đó, tâm lý chúng tôi muốn lĩnh 1 lần để có khoản đầu tư nếu phải lựa chọn về quê hoặc chuyển sang làm nghề tự do”.

Đơn vị làm thủ tục tại BHXH Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc


Còn anh Bùi Văn Hạo (quê Hòa Bình) đang làm tại KCN Thạch Thất (Hà Nội) cũng tâm tư khi được phân tích về điều 60 của Luật BHXH. “Đúng là xét về lâu dài có tiền lương hưu vẫn hơn. Tuy nhiên thời gian công nhân lao động giản đơn thực tế ngắn. Nếu muốn duy trì đóng tiếp thì chuyển sang hình thức bảo hiểm tự nguyện và được giải thích từ cơ quan chức năng sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên mức hỗ trợ ra sao, và mức hưởng như thế nào thì chưa rõ”.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận những băn khoăn của người lao động khi đi tiếp xúc với công nhân. Việc lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần có thể giải quyết những vấn đề trước mắt như con ốm, đi học. Nhất là khi không được tuyển dụng lao động tiếp tại KCN và trở về quê thì họ muốn rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải cho cuộc sống trước mắt. Do đó, quy định của Luật BHXH nên có những linh hoạt để người lao động tự lựa chọn với thực tế của họ.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận, mức lương của người lao động tại KCN hiện nay còn thấp và mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, khi không còn lao động tại KCN họ thường coi lĩnh BHXH một lần như là khoản thu nhập bổ sung để trang trải cho khó khăn trước mắt. Mặt trái là họ sẽ không có lương hưu khi hết tuổi lao động. Do đó, người lao động nên tính đến an sinh lâu dài khi không còn khả năng làm việc.

Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích chính sách cho người lao động có phương án lựa chọn tối ưu nhất nhưng cũng phải tạo điều kiện nào đó để giúp người dân thực sự khó khăn, cần tới khoản tiền đó và cần việc làm để mưu sinh”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề Quốc hội.

Việc thiết kế Điều 60 Luật BHXH cũng căn cứ từ bài học trên thực tế khi giải quyết chế độ thôi việc một lần theo chính sách 176 vào năm 1989 trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. “Khoảng 720.000 lao động về hưu theo diện 176 mong muốn hoàn trả lại Quỹ bảo hiểm xã hội số tiền đã nhận để cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó và được hưởng lương hưu hàng tháng nhưng không được pháp luật hồi tố và đến nay chưa có phương án giải quyết. Cuộc sống của họ khó khăn hơn so với những người đang hưởng lương hưu cùng thời kỳ. Do đó, Luật BHXH 2014 đã được xây dựng theo hướng hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần để bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người lao động có mong muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội được tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng”, ông Huân cho biết.

Về vấn đề trượt giá, ông Phạm Minh Huân thừa nhận đây lo lắng của người lao động bởi không quốc gia nào dám chắc chắn kiểm soát tuyệt đối vấn đề trượt giá, lạm phát. Nhưng đối với việc đóng bảo hiểm, Nhà nước luôn điều chỉnh mức đóng, lương hưu theo từng thời kỳ để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Còn với lao động thuộc một số ngành nghề có thời gian lao động ngắn, nếu không đóng BHXH bắt buộc, lao động có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Hiện bảo hiểm tự nguyện mở ra rất nhiều kênh. Bộ LĐTBXH đang xây dựng đề án về mức hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động khi tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm thay thế, học nghề. Hiện nay, các văn bản dưới luật đang được xây dựng và sớm công bố trong thời gian tới”, ông Huân cho biết.

Tính toán về mặt số học, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Căn cứ đề xuất xây dựng Điều 60 Luật BHXH 2014 là để người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu khi về già. Ví dụ một lao động nam có lương tháng bình quân 4 triệu đồng, nếu nghỉ hưu năm 2016 khi đủ 60 tuổi, tuổi thọ là 78, mức đóng đủ 20 năm theo đúng quy định của luật mới, thì tổng chi phí cho người đó hưởng lương hưu hàng tháng là hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lao động nhận một lần khi đóng đủ 20 năm BHXH thì chỉ hơn 120 triệu đồng. Lao động nữ sẽ được hưởng hơn 700 triệu đồng do nghỉ hưu sớm, thời gian hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Không tính đến yếu tố trượt giá, nếu người lao động tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu thì lợi ích mà họ thu được sẽ lớn gấp 4-5 lần so với việc nhận BHXH một lần.


Xuân Cường