12:00 17/12/2012

Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp

Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2012 đã có 297.000 lao động trong vùng có việc làm, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 25%. Các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đến năm 2015, nâng tỉ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40%.

Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2012 đã có 297.000 lao động trong vùng có việc làm, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 25%. Các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đến năm 2015, nâng tỉ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40%.


Cùng với việc các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh phát triển mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm, hệ thống cơ sở thông tin về thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm đến cấp huyện, xã gắn với cung ứng lao động cho người sử dụng lao động trong, ngoài vùng ĐBSCL. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ ĐBSCL hàng trăm tỉ đồng thực hiện công tác liên quan đến giới thiệu, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.


Đến nay, các tỉnh ĐBSCL mở rộng xây dựng cơ sở vật chất, đưa số cơ sở dạy nghề toàn vùng lên gần 290 cơ sở. Hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị trong vùng cũng tham gia dạy nghề, góp phần nâng số lao động được dạy nghề trong vùng lên cao. ĐBSCL cũng đào tạo thêm hàng trăm giáo viên dạy nghề; huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề thuộc các doanh nghiệp, làng nghề... tham gia dạy nghề cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ.


Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ đã tận dụng nguồn vốn dạy nghề nước ngoài để nâng chất lượng dạy nghề như các dự án giáo dục kỹ thuật dạy nghề từ nguồn vốn ADB; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc các tổ chức lao động xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội việc làm ngay sau khi được đào tạo. Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy nghề với các chính sách ưu đãi liên quan đến vốn, đất đai, nhân lực... góp phần tăng nhanh lượng người được dạy nghề tại ĐBSCL.


Thế Đạt