09:15 21/09/2012

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lên nhưng nông dân... hết lúa

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng lên hàng ngày khi nhu cầu gạo xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện nông dân không còn lúa để bán, bởi ngay đầu vụ thu hoạch lúa hè thu, giá lúa có lúc chỉ còn 4.100- 4.300 đồng/kg nhưng người dân đã buộc phải bán dù nắm chắc lỗ.

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng lên hàng ngày khi nhu cầu gạo xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện nông dân không còn lúa để bán, bởi ngay đầu vụ thu hoạch lúa hè thu, giá lúa có lúc chỉ còn 4.100- 4.300 đồng/kg nhưng người dân đã buộc phải bán dù nắm chắc lỗ.

 

Xuất khẩu gạo tăng tốc


Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tháng 8 vừa qua các doanh nghiệp ký bán lượng gạo kỷ lục là gần 850.000 tấn và cũng là tháng các doanh nghiệp ồ ạt giao hàng, dẫn đến kết quả xuất khẩu tháng 8/2012 lên đến trên 928.000 tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ. Theo ông Phong, đây là “điều chưa từng thấy trong lịch sử tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu”. Với tốc độ xuất khẩu “chóng mặt” này, chỉ tính trong 2 tháng qua (tháng 7 và 8) các doanh nghiệp đã ký lượng hợp đồng kỷ lục, tổng cộng lên đến 1,3 triệu tấn. Như vậy, sau 8 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã kí hợp đồng xuất khẩu đạt hơn 6,78 triệu tấn gạo, trong đó đã giao hàng được 5,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu (FOB) đạt trên 2,2 tỉ đô la Mỹ.


 

Thu hoạch lúa tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Theo ông Trương Thanh Phong, bên cạnh lượng gạo xuất khẩu chính ngạch, gạo Việt Nam còn bị “hút” sang 2 đầu biên giới phía Bắc và phía Nam qua đường tiểu ngạch. Ở các tỉnh ĐBSCL, gạo được xuất qua cửa khẩu Việt Nam-Campuchia thì hầu như tất cả đều sang Thái Lan, cao điểm ở cửa khẩu Tịnh Biên có ngày lên đến 5.000 tấn gạo và tấm. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết lượng lúa xuất sang Campuchia khoảng 400.000 tấn và hiện lúa vẫn tiếp tục được xuất sang, chủ yếu qua biên giới Tịnh Biên. Ngoài ra, lượng gạo chuyển tải qua cảng Mỹ Thới (cảng đường sông) vừa qua là 570.000 tấn, nhưng trong đó chỉ có 100.000 tấn là dành cho xuất khẩu đi các thị trường, còn lại 470.000 tấn được chở ra biên giới phía Bắc.


Trước diễn biến phức tạp của thị trường gạo trong và ngoài nước, ông Trương Thanh Phong dự báo, giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới sẽ có thể tăng tiếp, vì vậy các doanh nghiệp không nên ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu, nhất là các hợp đồng xuất với khối lượng lớn, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và tỉnh táo. Đặc biệt, chỉ khi nào doanh nghiệp có trong tay 100% gạo mới ký hợp đồng, không nên ký xong mới thu gom hàng sẽ dễ gặp rủi ro.

 

Không kho trữ: bán rẻ

 

Trong khi giá lúa thương phẩm không ngừng tăng do xuất khẩu “vượng” thì những nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu vào thời điểm tháng 8 và trước đó vô cùng tiếc rẻ. Anh Lê Tấn Phong ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công (Tiền Giang) nói: “Tôi có 1,4 ha lúa hè thu đã thu hoạch vào đầu tháng 8 vừa rồi nhưng tính ra bán lỗ gần 12 triệu đồng. Do là lúa thường, lại trúng thời điểm rớt giá nên chỉ bán được có 4.300 đồng/kg lúa tươi (thương lái mua tại ruộng khi vừa thu hoạch - PV). Biết là lỗ nhưng không thể không bán vì tôi không có sân phơi, để lúa trữ lại sẽ mọc mầm vì bị ướt. Nếu có máy sấy hoặc sân phơi, đến thời điểm này mà tung ra bán thì có lẽ đã lời trên mức mà tôi đã chịu lỗ”. Cũng như anh Phong, có một thực tế, hiện nay hầu hết người nông dân ít tích trữ lúa lại tại nhà như thời điểm cách đây 5-10 năm. Thường sau khi vừa thu hoạch xong, nông dân gọi bán thẳng lúa tươi cho thương lái, nên dẫn đến tình trạng bán đồng loạt. Với cách làm này, người nông dân phải bán lúa giá rẻ và thương lái sẽ có lý do để ép giá xuống.


Theo khảo sát của PV tại khu vực ĐBSCL, hiện giá lúa khô IR50404 có giá từ 5.400 - 5.900 đồng/kg tại các tỉnh Đồng Tháp và An Giang, trong khi tại Tiền Giang đã lên đến 6.200 đồng/kg. Trong khi đó, các loại lúa thường dao động từ 6.000 - 6.100 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg... bình quân tăng thêm 200 đồng/kg trong vòng hai ngày qua. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.650 - 7.750 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 9.000 - 9.100 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.700 - 8.800 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.400 - 8.500 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.


Theo giới kinh doanh lương thực dự báo, những diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn, hoặc vùng trồng lúa thu đông sớm chuẩn bị thu hoạch hoặc đang thu hoạch sẽ trúng giá do giá lúa tiếp tục tăng trước thông tin các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục thu hút lúa gạo từ vùng ĐBSCL qua cửa ngõ Campuchia. Do đó, hiện các thương lái ở khu vực sông Tiền đang đổ phương tiện về tận Cà Mau, Bạc Liêu... để thu gom lúa. Bên cạnh đó, thông tin các doanh nghiệp kí hợp đồng xuất khẩu tăng đột biến và nguồn cung đã hạn chế khiến giá lúa tăng thêm mỗi ngày.


Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, việc người dân không quan tâm đến vấn đề tích trữ hay bảo quản hậu thu hoạch đã dẫn đến tình trạng thiếu và thừa cục bộ như trên. Để thay đổi tư duy của nông dân và cũng để hỗ trợ người làm nông nghiệp, thì Nhà nước cần có chiến lược đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các kho dự trữ lúa - chủ trương có từ lâu nhưng các doanh nghiệp vẫn thực hiện ì ạch, nhằm tăng cường thu mua lượng lớn (có thể đạt vài triệu tấn lúa hàng hóa chứ không chỉ 1 triệu tấn lúa như vụ vừa rồi) giúp người dân tích trữ khi giá giảm; đồng thời khuyến khích nông dân quan tâm đầu tư khâu tích trữ và bảo quản sau thu hoạch.

 

M.Thuyết-L.Phương