05:09 24/05/2017

Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì sạt lở

Biến đổi khí hậu ngày một gia tăng cùng với sự can thiệp quá mức của con người vào thiên nhiên đã gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người. Đây là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước ta.

Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng cùng với sự can thiệp quá mức của con người vào thiên nhiên đã gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển. Toàn vùng cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để có thể khắc phục sạt lở một cách tận gốc trong tương lai gần.

Phía Đông của Đất Mũi đang có sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của biển vào đất liền. Những thông số từ ảnh vệ tinh cho thấy, có đoạn bị lùi vào đến 200m trong 5 năm, tức là trung bình bờ biển lùi sâu vào đất liền đến 40m/năm.

Một em bé đứng bên hiên nhà nhìn những đợt sóng vỗ bờ ngay tại ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau).

Cuộc sống của 11 hộ dân ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đang thực sự khó khăn. Trong khi đó, chính quyền nơi đây vẫn chưa có chủ trương di dời và có biện pháp hỗ trợ về kinh tế cho người dân đang hàng ngày đứng trước thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.

Những đứa trẻ ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển vẫn ngày ngày vô tư vui chơi trên bãi triều mỗi khi nước biển rút mà chẳng hề hay biết rằng cuộc sống của chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Căn nhà của gia đình bác Võ Văn Kiến ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển giờ đã nằm ngay sát biển. Mỗi khi thủy triều lên, sóng đánh vào tới tận hiên nhà.

Một vạt rừng phòng hộ bị sóng đánh bật rễ thuộc địa phận ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau.

Người dân ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã và đang phải gồng mình đối chọi với sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của biển khơi vào vùng đất mà họ đang sống.

Cuộc sống của người dân ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển với nhà cửa tồi tàn và tạm bợ.


Chùm ảnh: Trọng Đạt (TTXVN)